Ngày 1-7, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức hội thảo “Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô”.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh: Khác với các ngành công nghiệp truyền thống, công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng và nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành nghề liên quan như nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, giải trí và truyền thông, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã tận dụng công nghiệp văn hóa để trở thành trung tâm sáng tạo và thu hút nhà đầu tư.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường nhận định: Thăng Long - Hà Nội hội tụ đầy đủ yếu tố để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng lớn để Thủ đô không chỉ sở hữu các di sản văn hóa quý giá mà còn là trung tâm văn hóa và nghệ thuật của Việt Nam. Việc quảng bá văn hóa và xây dựng thương hiệu quốc tế sẽ giúp Hà Nội nổi bật trên bản đồ văn hóa toàn cầu, thu hút du khách và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác nguồn lực văn hóa nói chung và các giá trị di sản văn hóa nói riêng cho phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô còn không ít khó khăn, hạn chế cả về cơ chế tổ chức triển khai, phát triển sản phẩm và sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô” nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các học giả, nhà quản lý trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với mong muốn làm rõ, tiếp cận và đo lường được những khả năng phát huy nguồn lực di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội với phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô trong bối cảnh hiện nay.
Các tham luận tại hội thảo tập trung vào ba chủ đề chính gồm: Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng của di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội; thực trạng phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Hà Nội giai đoạn hiện nay; giải pháp phát huy tiềm năng di sản văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Nội dung của các bài tham luận cho thấy, nghiên cứu phát huy nguồn lực di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô không những cấp thiết, mà còn là triển vọng giúp Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần vào sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Thủ đô trên trường quốc tế.
Ban tổ chức cho biết, những tham luận tại hội thảo là cơ sở khoa học cho nhà trường xây dựng và đề xuất các giải pháp, kiến nghị với lãnh đạo thành phố Hà Nội về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng, định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” và xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.