(HNM) - Tại hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức nhân ngày viễn thông và xã hội thông tin thế giới (ngày 17-5) vừa qua, đại diện Tập đoàn VNPT đã kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước sớm cho phép các nhà mạng triển khai 4G trên băng tần 700MHz. Vì việc triển khai mạng lưới trên dải băng tần này sẽ giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm chi phí và có thể cung cấp 4G giá rẻ tới người dân…
Nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh tham gia đăng ký dùng thử 4G. |
Theo ông Đặng Đình Trang, Phó Trưởng ban Công nghệ - Mạng (Tập đoàn VNPT), băng tần 700MHz vốn đang dành cho truyền hình dự kiến sẽ được thu hồi để dành cho di động, sau khi hoàn thành đề án số hóa truyền hình toàn quốc đến năm 2020. Và việc thu hồi có thể sẽ hoàn thành sớm hơn ở một số địa phương thực hiện giai đoạn 1, 2 của đề án. "Đây là giải băng tần "vàng" và nếu DN được xây dựng hạ tầng theo băng tần này sẽ giảm được chi phí đầu tư và vận hành.
Vì vậy, Bộ TT-TT có thể cho phép nhà mạng được triển khai 4G trên dải tần này mà không nhất thiết phải đợi sau năm 2020; đồng thời có thể thông báo kế hoạch trước để chúng tôi chủ động triển khai" - ông Đặng Đình Trang cho biết. Sau khi khai trương thử nghiệm 4G tại TP Hồ Chí Minh và huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), VNPT đang thử nghiệm 4G tại Hà Nội và Sa Pa (Lào Cai) trên băng tần 1800MHz. Tương tự như vậy, các nhà mạng Viettel, MobiFone cũng đang lần lượt thử nghiệm 4G tại các thành phố lớn, địa phương trong cả nước.
Được biết, Bộ TT-TT đã dành dải băng tần 1800MHz để các DN triển khai thử nghiệm 4G. Tuy nhiên, đây lại là dải băng tần vốn dành cho mạng 2G (hiện có nhà mạng đang cung cấp dịch vụ trên băng tần này, như Gmobile), trong khi đó về mặt lý thuyết, muốn cung cấp dịch vụ có tốc độ cao, thì phải có nhiều tần số, do vậy, nếu chỉ cung cấp 4G ở tần số 1800MHz này sẽ có những hạn chế nhất định. Do vậy, Bộ TT-TT đã xem xét việc cấp phép 4G trên băng tần 2600MHz. Trong một cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Viễn thông phối hợp Cục Tần số vô tuyến điện nghiên cứu, đề xuất phương thức, thời điểm cấp phép 4G trên băng tần 2600MHz phù hợp, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số.
Vậy, băng tần 700MHz sẽ giữ vai trò như thế nào trong triển khai 4G và đâu là căn nguyên để các nhà mạng coi là dải băng tần "vàng", "kim cương"? Có thể hiểu nôm na rằng, các dải băng tần thấp, trong đó có băng tần 700MHz có vùng phủ sóng rộng và chi phí đầu tư hạ tầng (xây dựng các trạm BTS) ở dải băng tần này tiết kiệm tới 1/3 so với chi phí đầu tư hạ tầng ở các băng tần cao. Ngược lại, băng tần cao như 2100MHz, 2600MHz như đã nêu có nhược điểm là "ngốn" chi phí đầu tư hạ tầng lớn, song lại có ưu điểm là cung cấp dịch vụ băng rộng với tốc độ rất cao, có độ phủ sóng hẹp nhưng sâu, rất phù hợp để nhà mạng cung cấp dịch vụ ở các thành phố lớn, đô thị - nơi mà lượng người sử dụng dữ liệu lớn.
Như vậy, với các thông tin trên để thấy rằng, việc khai thác băng tần 700MHz có những thế mạnh để các nhà cung cấp có thể cung cấp dịch vụ 4G tới người dân với giá rẻ, đặc biệt sẽ đem lại lợi ích với người dân ở vùng nông thôn, vùng xa, từ đó có thể phổ cập được dịch vụ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, các nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone cũng đã thử nghiệm và được Bộ TT-TT cho phép lắp đặt hạ tầng mạng 3G trên băng tần 900MHz (vốn dành cho 2G) không chỉ tiết kiệm được chi phí đầu tư (so với lắp đặt ở băng tần 2100MHz như cũ) mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời giữ nguyên không tăng giá dịch vụ này.
Tuy nhiên, như đã nêu, băng tần 700MHz đang được các đài truyền hình trong cả nước sử dụng và trước mắt băng tần này sẽ chỉ được "giải phóng" một phần khi các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh tắt toàn bộ kênh analog trong năm 2016. Giai đoạn 2 đến năm 2018 sẽ có thêm một số địa phương tắt sóng analog và đến năm 2020 các đài truyền hình dừng phát sóng hoàn toàn kênh analog. Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan cũng nhiều lần khẳng định, khi triển khai thành công đề án số hóa truyền hình sẽ giải phóng được băng tần 700MHz và sẽ dùng khai thác dịch vụ băng rộng để nhà mạng cung cấp dịch vụ giá rẻ tới người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.