(HNMO)- Sáng nay (23-1), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tham gia buổi tọa đàm có ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, Phó Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ giúp việc BCĐ Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 và ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Các vị khách mời tham gia buổi Tọa đàm |
Hơn 600 ý kiến tập trung vào quyền cơ bản của công dân
Trả lời câu hỏi: “Lần sửa đổi này sẽ tập trung vào những điểm nào?” – ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh đến nội dung phát huy nhân tố con người, đặc biệt là nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân. Trong chương về kinh tế, văn hoá, giáo dục, môi trường... cũng có nhiều điểm sửa đổi về cách hiến định các thành phần kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng, bảo đảm môi trường... quy định chặt chẽ, hài hòa, lược bỏ đi những quy định quá chi tiết trong Hiến pháp 1992.
Trong quyết định về bộ máy Nhà nước, có nhiều điểm sửa đổi bổ sung, xác định rõ hơn các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, mối quan hệ giữa các cơ quan, quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước. Đặc biệt, dự thảo bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Dự thảo có quy định mới về thẩm quyền Quốc hội, vai trò của nhân dân trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, quy trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Ông Nguyễn Văn Phúc |
Ông Phúc cũng cho biết, đến nay đã nhận được 630 ý kiến, tập trung vào chế độ chính trị, quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Thống kê cụ thể đến nay có 209 ý kiến về chế độ chính trị, 5 ý kiến về điều 4 về Đảng; 26 ý kiến về Điều 13 nói về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh. Trong đó, rất nhiều ý kiến rất thú vị, cụ thể và rất đáng phải suy nghĩ.
Về quyền và nghĩa vụ của công dân nhận được 153 ý kiến. Với điều 21 về quyền sống, nội dung mới có nhiều ý kiến nhất với 22 ý kiến, chứng tỏ nhân dân rất quan tâm. Nhân dân rất ủng hộ những bổ sung như vậy trong bản Dự thảo Hiến pháp, phù hợp với các công ước quốc tế.
Ngoài ra, rất nhiều ý kiến bàn sở hữu đất đai trong chương về kinh tế, các điều về bộ máy nhà nước, thành lập hội đồng hiến pháp hay tòa án hiến pháp. Mọi nội dung của bản dự thảo Hiến pháp đều nhận được ý kiến đóng góp của người dân. Theo thống kê đến nay, 97/127 điều đều được người dân tham gia đóng góp ý kiến.
Tin tưởng chất lượng dự thảo Hiến pháp được nâng lên rõ rệt
Nói về cơ chế tổng hợp ý kiến của nhân dân, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp thành lập Ban biên tập với 50 chuyên gia, đại diện cho tất cả các lĩnh vực, các ngành, các tổ chức từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia, các viện khoa học lớn. Ban biên tập chia thành các tổ với các thành viên đầu ngành, có kinh nghiệm. Các tổ được phân công nghiên cứu sâu các ý kiến rồi đưa ra ban biên tập thảo luận dưới sự chỉ đạo của thường trực Ủy ban soạn thảo Hiến pháp, cụ thể là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
“Chúng tôi làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp, chắc chắn ý kiến đóng góp của nhân dân được trân trọng để trình ra Quốc hội. Tôi tin tưởng chắc chắn với cách tiếp thu như vậy, cũng như những lần trước, chất lượng của Dự thảo Hiến pháp được nâng lên rõ rệt” – ông Phúc bày tỏ.
Ông Hoàng Thế Liên |
Ông Hoàng Thế Liên thông tin thêm: “Cũng như các lần trước, để tiếp thu ý kiến của nhân dân, chúng tôi tổ chức quy trình rất khoa học, trước tiên là thu nhận ý kiến rồi đến giai đoạn 2 là phân tích và giai đoạn 3 là giải trình. Hiện nay, chúng tôi đang thiết kế mẫu biểu để tập hợp ý kiến cho từng chương, từng điều. Đội ngũ tập hợp là các chuyên gia pháp luật nhằm tránh “rơi vãi” ý kiến. Sau đó là đến tiếp thu, ý kiến hay thì đưa vào Dự thảo, còn lại đưa vào giải trình.
Trên cơ sở đó, việc tập hợp ý kiến cụ thể cho từng nội dung với số lượng ý kiến cụ thể, rất rõ ràng. Báo cáo tiếp thu ý kiến của Chính phủ rất đầy đủ. Bên cạnh đó, dựa trên ý kiến của nhân dân tổng hợp, Chính phủ chủ động làm một dự thảo tiếp thu như những lần trước rồi gửi Ủy ban soạn thảo Hiến pháp để thêm tiếng nói và trách nhiệm của Chính phủ. Thứ hai, trên cơ sở ý kiến của nhân dân và chuyên gia để có ý kiến sâu sắc về Chương Chính phủ và HĐND. Tôi tin là với cách làm như vậy, chúng ta có một đợt lấy ý kiến có chất lượng, làm cho Hiến pháp thể hiện và phản ánh được nhu cầu của xã hội và nguyện vọng của nhân dân”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.