(HNMO) – Theo Báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện của Chính phủ trình Quốc hội sáng nay, 30/10, sau khi tiến hành rà soát, cả nước hiện còn lại 815 dự án thủy điện.
Đã loại bỏ 424 dự án thủy điện
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng trình bày cho biết, theo các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền, trên cả nước có 1.239 dự án với tổng công suất lắp máy Nlm = 26.012,8 MW và tổng dung tích phòng lũ thường xuyên cho hạ du Wpl = 10,51 tỷ m3.
Từ tháng 1 đến tháng 4/2013, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu và hướng dẫn UBND các tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án thủy điện (DATĐ) trên địa bàn. Đồng thời, đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND các tỉnh thành lập các Đoàn công tác liên ngành, làm việc trực tiếp tại 20 tỉnh có nhiều DATĐ.
Ngày 21/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đồng ý loại khỏi quy hoạch tổng số 405 DATĐ (1.247,6 MW), gồm 02 DATĐ bậc thang (118 MW) và 403 DATĐ nhỏ (1.128,8 MW); không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện nhỏ (375,7 MW) chưa có nhà đầu tư quan tâm đầu tư phát triển. Tất cả các DATĐ, vị trí tiềm năng được loại bỏ này đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội (MT-XH), ảnh hưởng đến quy hoạch/dự án ưu tiên khác, nhà đầu tư trả lại dự án do không khả thi hoặc không có nhà đầu tư quan tâm.
Đối với các DATĐ còn lại trong quy hoạch nhưng chưa khởi công xây dựng hoặc mới triển khai thi công ở giai đoạn đầu, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo UBND các tỉnh và CĐT các dự án tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ hiệu quả và các tác động MT-XH...
Kết quả rà soát tính đến tháng 9/2013 cơ bản các địa phương có DATĐ đã hoàn thành rà soát, đảm bảo các yêu cầu đề ra của Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đã loại khỏi quy hoạch 6 DATĐ bậc thang (395 MW) và 418 DATĐ nhỏ (1.174,49 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với MT-XH, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện (375,65 MW); Tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với MT-XH, điều kiện thực hiện thuận lợi...đối với 4 DATĐ bậc thang (208 MW) và 132 DATĐ nhỏ (915,7 MW); Các dự án cần tiếp tục rà soát đánh giá: gồm 149 DATĐ nhỏ (1.344,8 MW) và 9 DATĐ bậc thang (551 MW).
Sau khi loại bỏ các DATĐ nêu trên, cả nước hiện còn lại 815 DATĐ có tổng Nlm = 24.324,3 MW. Trong đó, đã vận hành phát điện 268 dự án (14.240,5 MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017.
Thủy điện Sông Tranh 2 |
Về DATĐ Đồng Nai 6 và 6A, sau khi có báo cáo số 142/BC-BTNMT ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại văn bản số 7958/VPCP-KTN ngày 23 tháng 9 năm 2013 về hại dự án này. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã loại hai DATĐ này khỏi qui hoạch.
Liên quan đến việc quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy trình vận hành liên hồ về mùa lũ trên 5 lưu vực sông thường xuyên xảy ra lũ lụt (gồm 20 hồ chứa đã vận hành) như sau: Lưu vực sông Hồng: Quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà; Lưu vực sông Ba: Quy trình vận hành liên hồ chứa Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông Hnăng, Ayun Hạ và An Khê - Ka Nắk; Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2; Lưu vực sông Srêpốk: Quy trình vận hành liên hồ chứa Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Srêpốk 3 và Srêpốk 4; Lưu vực sông Sê San: Quy trình vận hành liên hồ chứa Plei Krông, Ialy, Sê San 4 và Sê San 4A.
Hiện nay, Bộ TN&MT cũng đang tập trung xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa cả về mùa lũ và mùa kiệt cho các lưu vực sông lớn, dự kiến hoàn thành từ nay đến năm 2015.
Sự cố thấm nước ở thủy điện Sông Tranh 2 là do sơ suất trong xây dựng
Về sự cố thấm nước ở dự án Sông Tranh 2, Chính phủ khẳng định, nguyên nhân là do sơ xuất trong xây dựng, Chính phủ đã yêu cầu EVN nghiêm túc rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đồng thời có giải pháp xử lý tổng thể giảm lưu lượng thấm về mức tối thiểu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã phối hợp với các đơn vị có kinh nghiệm trong và ngoài nước lập phương án và thực hiện xử lý chống thấm tổng thể từ tháng 6/2012. Tại thời điểm kết thúc, lưu lượng thấm chỉ còn 3,23 lít/giây ứng với mực nước hồ chứa ở cao độ 144m và lưu lượng này hầy như không thay đổi. Đến ngày 16/10/2013, khi mực nước hồ chứa dâng lên do lũ đến cao độ 159,03m thì lưu lượng thấm cũng chỉ là 7,19 lít/giây, thấp hơn so với yêu cầu thiết kế là 12,5 lít/giây.
Về sự cố động đất kích thích tại công trình thủy điện Sông Tranh 2, mặc dù không gây mất an toàn cho công trình nhưng đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, Chính phủ rất chia sẻ với lo lắng của người dân và đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao. Đến nay, các bộ và cơ quan chức năng, các chuyên gia chuyên ngành có trách nhiệm trong nước và các công ty tư vấn độc lập chuyên ngành hàng đầu của Nhật Bản, Thụy Sĩ đều đánh giá đập Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, Chính phủ đã yêu cầu chưa được tích nước phát điện để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ thêm về động đất, đồng thời thuê các chuyên gia tư vấn hàng đầu quốc tế của Nga, Nhật Bản, Ấn Độ khảo sát, đánh giá về động đất kích thích liên quan tới an toàn của đập, công bố công khai đầy đủ thông tin cho nhân dân và hướng dẫn nhân dân ứng phó với động đất kích thích; rà soát, bổ sung việc chi trả đền bù hỗ trợ đối với hộ dân có nhà bị hư hỏng do động đất. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn Nhật Bản OYO để nghiên cứu, đánh giá tác động của động đất tại dự án này. Hiện OYO đang hoàn thiện báo cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.