(HNM) - Bên cạnh các phiên tổ chức định kỳ, hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội ngày càng đa dạng các hình thức tổ chức, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai những phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Hoạt động của hệ thống này thực sự là “cú hích” mạnh mẽ, góp phần cung cấp thông tin về thị trường, kết nối cung cầu, thúc đẩy sự phát triển thị trường lao động Thủ đô.
Sôi động giao dịch việc làm lưu động
Mặc dù 8h30 ngày 2-7, phiên giao dịch việc làm lưu động quận Long Biên do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên tổ chức tại Trung tâm thương mại Savico Megamall (đường Nguyễn Văn Linh) mới chính thức khai mạc, nhưng từ 7h30, không khí đã rất sôi động. Các bảng thông báo thông tin thị trường lao động được lắp đặt cả khu vực bên ngoài và bên trong tòa nhà trung tâm thương mại, thu hút hàng trăm lượt người xem. Ở khu vực trung tâm tầng 1 của tòa nhà, các bàn tư vấn, tuyển dụng của gần 90 doanh nghiệp, đơn vị đã sẵn sàng phục vụ người lao động, với gần 9.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Tất cả đều cho thấy sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, sự vào cuộc trách nhiệm của các đơn vị sử dụng lao động, khả năng đáp ứng nhu cầu và sự quan tâm đặc biệt của người lao động.
Tại bàn tư vấn, tuyển sinh, tuyển dụng của Trường Phi công Bay Việt (trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh), Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Nam Liên - trực tiếp tham gia giới thiệu, cung cấp thông tin cho người lao động, học sinh, sinh viên. Hiệu trưởng Nguyễn Nam Liên cho biết: “Đây là lần đầu tiên Trường Phi công Bay Việt tham gia một phiên giao dịch việc làm lưu động. Tôi kỳ vọng có thể cung cấp nhiều thông tin và là kênh tiếp cận mới về nhu cầu lao động của một ngành nghề rất được quan tâm trong xã hội, phá bỏ định kiến, nghề phi công là nghề đặc biệt, quá khó để theo đuổi. Tiêu chuẩn ứng viên để được đào tạo phi công cho hàng không dân dụng thực ra rất đơn giản: Tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, nam cao từ 1m65, cân nặng từ 54kg; nữ cao từ 1m60, cân nặng từ 48kg…”.
Còn tại bàn tư vấn của Công ty cổ phần 26 (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), chuyên viên tư vấn lao động Trần Thị Minh Giang chia sẻ: “Cùng với sự phục hồi của thị trường lao động, chúng tôi hướng tới đối tượng lao động phổ thông để làm thợ may công nghiệp, thợ vận hành máy dệt… với mức thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng và có rất nhiều chính sách ưu đãi…”.
Đã có 15 năm kinh nghiệm làm kế toán - tài chính, chị Nguyễn Thị Thơm (tổ 14, phường Giang Biên, quận Long Biên) nghiên cứu rất kỹ thông tin tuyển dụng của các công ty. Chị Nguyễn Thị Thơm cho hay: “Đến với phiên giao dịch việc làm lưu động, tôi đặt mục tiêu vào làm tại một công ty của ngành Hàng không. Tuy nhiên, tôi cần trao đổi thêm với nhà tuyển dụng để có một vị trí việc làm hợp lý nhất, phù hợp chuyên môn, nhất là có môi trường làm việc tốt, tạo động lực phát triển và bảo đảm thu nhập. Việc các phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức định kỳ, thường xuyên đã giúp người lao động được gặp trực tiếp nhiều nhà tuyển dụng và cả hai bên đều có rất nhiều lựa chọn”.
Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Long Biên chỉ là một trong 6 phiên lưu động được tổ chức từ đầu năm 2022 đến nay tại Hà Nội.
Những tín hiệu tốt
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết: “Từ đầu năm 2022, 5 phiên giao dịch việc làm lưu động ở các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đông Anh, Ba Vì, Mê Linh, Gia Lâm cũng đạt kết quả rất tốt. Tại huyện Gia Lâm và huyện Đông Anh, số lượng người lao động tham gia tuyển dụng tại chỗ khá đông. Còn ở huyện Ba Vì, người lao động đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động…”.
Cùng với các phiên lưu động, tính chuyên nghiệp và chất lượng của các phiên giao dịch việc làm không ngừng được nâng cao, thông qua việc kết hợp nhiều hình thức tổ chức, như: Định kỳ, chuyên đề, lồng ghép, trực tuyến… Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn.
Cũng theo ông Vũ Quang Thành, việc hoàn thành hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội, với sàn trung tâm tại 215 Trung Kính kết nối với 14 sàn vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã đã giúp hoạt động giao dịch việc làm trên địa bàn được tổ chức thống nhất, đồng bộ và có vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường lao động; là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, góp phần thực hiện tốt việc ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động giới thiệu việc làm bất hợp pháp, xâm hại lợi ích của người lao động. Cách làm này sẽ đặc biệt được chú trọng trong thời gian tới để đóng góp hiệu quả nhất vào việc phát triển bền vững thị trường lao động tại Thủ đô.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức được 124 phiên giao dịch việc làm, với 3.073 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 55.073 người; số lao động được phỏng vấn là 22.340 lao động và số lao động được tuyển dụng lên tới 7.832 lao động.
“Sàn giao dịch việc làm thực sự là một trong các nhân tố quan trọng giúp giải quyết việc làm cho 118.853 lao động, đạt 74,3% kế hoạch năm, tăng 20.988 lao động, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường lao động Thủ đô tiếp tục phục hồi, phát triển hậu đại dịch Covid-19”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.