Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã có cách cứu dự án “treo”

Hoàng Thu Vân| 14/06/2011 06:17

(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa có dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được phê duyệt danh mục các dự án, công trình cấp bách cần triển khai trong thời gian quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020.


Cụ thể trong tờ trình này sẽ có 580 dự án với tổng diện tích hơn 6.000ha được đề xuất triển khai bao gồm: 96 dự án giao thông, 10 dự án về thể thao, 23 dự án y tế, 7 dự án xử lý rác thải, chất thải, 9 dự án về danh thắng, 21 dự án trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, 43 dự án về sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp… Đặc biệt là 200 dự án về đô thị, nhà ở với tổng diện tích hơn 1.300ha.

Theo dự thảo, các dự án trình phê duyệt là những trường hợp đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất từ đầu năm đến nay… Lãnh đạo TP Hà Nội và các sở, ngành đều đồng thuận với nội dung dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ vì đây chính là biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, công trình cấp bách của Hà Nội đang bị "treo" do chưa có quy hoạch sử dụng đất.

Trong thực tế, những dự án trên địa bàn Hà Nội đang cần được "giải thoát" không chỉ là con số 580 như trong dự thảo tờ trình này. Tất nhiên, mỗi dự án "treo" đều có những nguyên nhân cụ thể. Ví dụ như việc dự án "chồng" dự án; do những thay đổi trong công tác quy hoạch; triển khai áp dụng những quy định mới trong đền bù, giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư thiếu năng lực… và có cả những dự án "xí phần", "cắm đất" để chờ chuyển nhượng, "sang tay" ăn chênh lệch. Thời buổi đất ở Hà Nội có giá hơn vàng, hàng trăm dự án trong tình trạng "treo" đã gây nên những thiệt hại nặng nề cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô. Tình trạng nhiều dự án có thể thấy rõ hiệu quả, tính khả thi được xếp cùng với những dự án "ma", rơi vào số dự án bị "treo" đã khiến không ít chủ đầu tư không thể kiên trì chờ đợi phải rút lui, rót tiền vào chỗ khác. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của Hà Nội bị suy giảm. Lại có những dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng dăm ba năm sau đó vẫn chưa được triển khai. Đất quý hơn vàng mà phải để hoang hóa, cỏ mọc lút đầu người, trong khi đó bà con nông dân lại không có đất để canh tác, sản xuất…

Áp lực về dân số mỗi ngày một đè nặng trong khi đất không thể "sinh sôi nảy nở", do đó để đạt và tăng hiệu quả sử dụng đất thì công tác quản lý ngày càng phải chặt chẽ, và đây cũng chính là một trong những nguồn lực quan trọng phục vụ quá trình phát triển. Vì vậy, hơn bao giờ hết, quá trình thẩm định từng dự án phải được công khai, minh bạch. Từ đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án khả thi cũng như nhanh chóng loại bỏ những dự án không hiệu quả hoặc phục vụ lợi ích của thiểu số người trong xã hội. Giải quyết tình trạng dự án "treo", dự án "rùa", một mặt vừa nâng cao tính cạnh tranh, phát huy hiệu quả tối đa của các dự án khả thi trong quá trình phát triển, mặt khác, nâng cao năng lực của cán bộ trong các cơ quan chuyên môn, xây dựng nền hành chính minh bạch, củng cố lòng tin của người dân đối với năng lực quản lý của chính quyền.

Hy vọng tờ trình của Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt các dự án cấp thiết sẽ sớm được thông qua. Đây cũng chính là một cách cứu những dự án không đáng bị "treo" và có thể nói cũng là hành động cụ thể nhằm chống lãng phí, phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ quá trình phát triển Thủ đô và đất nước. Tất nhiên việc tiếp tục loại bỏ những dự án "treo" ít tính khả thi và hiệu quả kinh tế vẫn luôn là cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã có cách cứu dự án “treo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.