(HNMO)- Theo báo cáo công tác y tế tháng 7/2016 của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng đáng lo ngại. Cụ thể, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 45.000 trường hợp mắc SXH tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó có 14 trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ 2015, số ca mắc SXH trong năm 2016 tăng 2,6 lần. Riêng tháng 7 năm nay ghi nhận hơn 5.500 trường hợp mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Được biết, ngay từ tháng 3/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có Quyết định số 1086/QĐ-BYT thành lập 8 Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đắk Lắk, Kon Tum để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
Kết quả cơ bản cho thấy, đa số các địa phương, tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH. Đặc biệt là sự tham gia, vào cuộc của UBND các cấp đã chỉ đạo, thúc đẩy sự phối hợp liên ngành và đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Ngành y tế địa phương cũng đã bám sát, tuân thủ hướng dẫn chuyên môn và nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH.
Tuy nhiên, tại một số địa phương còn chưa tổ chức chiến dịch người dân chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy như: Hải Phòng, Thanh Hóa. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức chiến dịch này. Bởi vì đây là một trong những sự kiện quan trọng, trong đó có hoạt động ký cam kết giữa Sở Y tế và UBND quận, huyện trong địa bàn tỉnh, thành phố nhằm nêu cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc cùng phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch tại mỗi địa phương.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh SXH, Bộ Y tế đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn, đồng thời tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình tại các ổ dịch theo chỉ định của ngành y tế và xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Mặt khác, các địa phương cần xác định các điểm nóng về SXH để tập trung nguồn lực, giải quyết triệt để, bảo đảm không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.