(HNM) - Miền Đông Ukraine đang đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh toàn diện khi cả quân đội Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai đều ráo riết tăng cường lực lượng.
Viễn cảnh xấu nhất được dự báo kể từ sau khi hai khu vực miền Đông Ukraine là Donetsk và Luhansk tiến hành cuộc bầu cử, chọn nhà lãnh đạo của riêng họ, thể hiện sự độc lập hoàn toàn với chính quyền Kiev. Rõ ràng, lực lượng ly khai đang quyết theo đuổi cuộc chia tách hoàn toàn ra khỏi Ukraine chứ không chỉ đơn thuần chấp nhận quy chế tự trị mà Kiev đề nghị. Trong bối cảnh cả hai phe không chịu lùi bước thì khả năng bùng phát xung đột để giải quyết tranh chấp là rất dễ xảy ra. Nếu vậy, cuộc xung đột nhiều khả năng sẽ leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện kéo theo sự tham gia của các bên.
Xung đột tại miền Đông khiến nhiều gia đình Ukraine rơi vào cảnh chia ly. |
Hiện tại, Ukraine với các đồng minh phương Tây và Nga vẫn không ngừng đổ lỗi cho nhau về tình trạng leo thang căng thẳng ở miền Đông Ukraine. Các tướng lĩnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, Nga đã điều động khoảng 8 tiểu đoàn, tương đương 6.400 binh sĩ tới giáp biên giới với Ukraine. Ngoài ra, NATO cũng cáo buộc số lính đặc nhiệm Nga hoạt động trong lãnh thổ Ukraine đã tăng từ khoảng 300 lên 400-500 trong vài ngày qua và lực lượng này được trang bị các vũ khí mới. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Stepan Poltorak tuyên bố các lực lượng vũ trang của nước này cần chuẩn bị cho khả năng giao tranh bùng phát. Một lực lượng quân sự lớn với xe tăng T-64 và lựu pháo D-30 cỡ 122mm đã được Kiev điều tới để tăng cường khả năng phòng thủ ở thành phố cảng chiến lược Mariupol bên biển Azov. Phương Tây cho rằng, mục đích của Nga là tạo ra một "cuộc xung đột đóng băng" ở miền Đông Ukraine, khiến cuộc gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) của Kiev trở nên khó khăn và các cố gắng phục hồi nền kinh tế của Ukraine thêm nhiều áp lực. Trong khi đó, Kiev lo ngại với sự trợ giúp của Nga, quân nổi dậy sẽ mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát bằng một chiến dịch quân sự mới.
Nga vẫn cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang như hiện nay là hậu quả của việc Kiev hủy bỏ luật trao quy chế tự trị đặc biệt cho Luhansk và Donetsk, nhất là khi luật này là phần quan trọng trong thỏa thuận Minsk. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cáo buộc Kiev đã không hoàn thành trách nhiệm theo thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine và Nga đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn các cuộc giao tranh giữa lực lượng của Chính phủ Ukraine với các tay súng ly khai ở miền Đông.
Trên thực tế, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết từ đầu tháng 9, miền Đông Ukraine chưa ngày nào yên tiếng súng. Các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai đã khiến sân bay Donetsk bị phá hủy hoàn toàn. Đến nay đã có hơn 4.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" này.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng kéo dài 1 năm qua tại Ukraine, đến thời điểm này, "thành quả" được cho là gặt hái được từ "cuộc cách mạng Maidan" vẫn chỉ dừng lại ở chỗ thay đổi chính quyền thân Nga bằng chính quyền thân phương Tây với những chính sách hợp tác hướng Tây vẫn chưa có hiệu lực. Trong khi đó, hậu quả của sự bất ổn chính trị đã hằn sâu vào đời sống người dân của đất nước bên bờ Biển Đen. Hiện Kiev đang phụ thuộc mạnh vào các khoản vay quốc tế và ngập trong những khoản nợ mua khí đốt từ Nga. Nguy cơ đổ vỡ lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine và sự trở lại của xung đột càng gây sức ép lớn cho nền kinh tế nước này.
Kể từ khi Ngân hàng Trung ương Ukraine từ bỏ việc neo buộc tỷ giá cách đây 1 tuần, giá trị đồng nội tệ của nước này đã "bốc hơi" hơn 12%. Giá bán ra đồng USD mà Ngân hàng Trung ương Ukraine công bố ngày 14-11 là 15,98 hryvnia/1 USD, thấp chưa từng có từ trước đến nay. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại đất nước 46 triệu dân đang cận kề nguy cơ phá sản cấp quốc gia. Vì từ nay đến cuối năm, Ukraine phải trả Nga 1,6 tỷ USD tiền nợ khí đốt, chưa kể mỗi tháng 700 triệu USD tiền mua khí đốt mới. Khoản vay tiếp theo trong gói 17 tỷ USD mà Quỹ Tiền tệ quốc tế cam kết cho Kiev có thể sẽ bị hoãn tới cuối năm nay hoặc sang năm tới mới được giải ngân. Một số chuyên gia cho rằng, số tiền vay này cũng sẽ không đủ để Ukraine trang trải nợ nần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.