Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đua thành tích và vấn đề nợ công

Vũ Duy Thông| 20/11/2014 06:03

(HNM) - Nghi án về năm sinh của cầu thủ U19 Công Phượng đang là một chủ đề bàn tán của dư luận. Có thể hiểu nguyên do câu chuyện tưởng như "bé như con kiến" này lại thu hút sự quan tâm của nhiều người, không chỉ vì thời điểm khai mạc Giải Bóng đá AFF Suzuki Cup 2014 đã cận kề, mà chuyện gian lận tuổi vốn được xem là một biểu hiện của "bệnh thành tích" trong ngành thể thao nước nhà, luôn là đề tài gây bức xúc dư luận.

Một chuyện tương tự là mới đây, đội tuyển Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh được cử đi dự Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á tại Indonesia. Sẽ không có gì đáng nói nếu trong thành phần không có 11 cầu thủ U19 Hoàng Anh - Gia Lai, với kỳ vọng lần đầu giành huy chương vàng bóng đá tại sân chơi dành cho sinh viên trong khu vực. Sự việc này lập tức cũng dấy lên nhiều ý kiến bức xúc về "bệnh" chạy đua thành tích.

Trước hết, phải khẳng định rằng, trong bất cứ lĩnh vực nào, dù là học tập, lao động hay chơi thể thao thì sự phấn đấu, rèn luyện để đạt thành tích, thậm chí thành tích cao nhất, là hết sức cần thiết. Trong nhiều năm gần đây ngành thể thao Việt Nam đã có hướng đi khôn ngoan, tập trung đào tạo "gà nòi" trong một số "mũi nhọn" để phấn đấu có thành tích, giành huy chương châu lục hoặc thế giới. Thế nhưng, những nỗ lực ấy chưa thể giúp thể thao Việt Nam cất cánh khỏi "vùng trũng khu vực" chứ chưa nói đến chuyện đưa đất nước trở thành một cường quốc thể thao. Đáng nói là quá trình phấn đấu của ngành thể thao đã có dấu hiệu chệch hướng khi "đi tắt đón đầu" để chạy đua thành tích, thậm chí đã gây lãng phí lớn cho ngân sách. Chỉ nói ngay như để chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc (diễn ra từ ngày 6 đến 17-12 tại Nam Định, một số môn thi đấu từ tháng 11), nhiều địa phương đã nô nức chi hàng chục tỷ đồng thậm chí cả trăm tỷ, cho VĐV đi tập huấn, "ăn dầm ở dề" tại nước ngoài, đến kỳ đại hội về thi đấu sau đó lại… đi tập huấn tiếp. Việc các địa phương quan tâm tới thể thao, đầu tư để hướng tới thành tích cao cũng là điều đáng mừng, song nếu đầu tư không có bài bản, không có quy trình, chạy theo thành tích, trong khi VĐV đi tập huấn theo kiểu "đổi gió", "cưỡi ngựa xem hoa" thì sự lãng phí ngân sách là thấy rõ.

Không chỉ có chuyện lãng phí trong chi phí cho VĐV đi tập huấn ở nước ngoài mà nhiều địa phương đăng cai tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc còn không tiếc tiền đầu tư hàng trăm tỷ đồng, thậm chí có nơi mạnh dạn đầu tư cả nghìn tỷ đồng để xây dựng nhà thi đấu, sân vận động, cung thể thao hiện đại, hoành tráng. Đáng nói là nhiều công trình đã xuống cấp ngay khi chưa khánh thành, phải tiếp tục rót kinh phí sửa chữa, khắc phục… Nhiều người đã thắc mắc rằng, sau cuộc chơi 4 năm một lần thì bài toán khai thác, sử dụng, phát huy công suất của các công trình thể thao trị giá hàng nghìn tỷ sẽ là gì, khi mà ngay trong thời gian tổ chức đại hội và kể cả những giải đấu tiếp theo (nếu có) số khán giả đến sân chắc chắn cũng chỉ là con số khiêm tốn?

Trong trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII ngày 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết nợ công năm 2014 là 60,3%, nghĩa là gần chạm mức giới hạn. Trước đó, vào 9h ngày 14-10, đồng hồ nợ công toàn cầu trên trang The Economist.com đã cảnh báo bình quân mỗi người Việt Nam đang phải "gánh" một khoản nợ công xấp xỉ 950 USD. Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang hết sức khó khăn, thậm chí ngay cả công trình, dự án cần thiết như sân bay quốc tế Long Thành cũng chưa tìm được nguồn vốn đầu tư, thì căn bệnh thành tích và cuộc đua xây dựng công trình hoành tráng của ngành thể thao - cũng giống như những trụ sở cơ quan hành chính tốn kém về tiền bạc nhưng hạn chế về hiệu quả ở không ít địa phương - sẽ chỉ gây lãng phí ngân sách, tăng thêm gánh nặng cho người dân, cản trở sự phát triển của đất nước. Thực tế này đòi hỏi phải có biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chi tiêu, phân bổ ngân sách để đầu tư công đạt mục tiêu hiệu quả, thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua thành tích và vấn đề nợ công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.