(HNM) - Kết nối cung - cầu nông sản có mấy lợi ích: Tranh thủ được thế mạnh nông sản từng địa phương; thúc đẩy tiêu thụ, làm lợi cho nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối; tạo ra thói quen tiêu dùng nông sản sạch, an toàn cho xã hội...
Hội nghị “Kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững của TP Hà Nội năm 2018” diễn ra hôm qua (19-4) không nằm ngoài tinh thần ấy.
Có thể nói, những năm qua, nhờ nỗ lực triển khai xây dựng các vùng sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án của thành phố về lĩnh vực này, Hà Nội đã hình thành được nhiều "thương hiệu" trong dòng chảy tiêu thụ nông sản của thành phố cũng như cả nước. Hơn 150 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao cùng hàng nghìn héc ta rau an toàn, các trang trại quy mô lớn… đã góp phần mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp Thủ đô. Tuy nhiên, nông sản Hà Nội vẫn trong tình trạng “cung” không đủ “cầu”, đặc biệt, các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp chưa hội đủ để tạo ra đột phá lớn cho nông sản tăng về lượng, mạnh về chất…
Trước tiềm năng và thực tế phát triển nông sản kể trên, có thể thấy hai mảng việc lớn mà Hà Nội đã triển khai có hiệu quả, cần tiếp tục được thúc đẩy thực hiện thường xuyên.
Một là, tổ chức hiệu quả các hội nghị kết nối giao thương (tạo cơ chế phối hợp, hình thành các mô hình chuỗi liên kết hiệu quả...). Đây chính là nền tảng để vận hành nhịp nhàng, rành mạch đường đi của nông sản sạch từ đồng ruộng, trang trại… đến bàn ăn của người dân.
Hai là, tổ chức ấn tượng các tuần lễ nông sản, các hội chợ…, nhằm giới thiệu, cung cấp sản phẩm ngon, bổ, giá hợp lý cho người dùng.
Cả hai mảng việc trên đều phải bảo đảm tiêu chí là “uy tín”. Ở đây, vai trò của Hội Nông dân, hợp tác xã, các sở, ngành, doanh nghiệp… rất cần được xác định cụ thể. Ví như doanh nghiệp, hộ sản xuất phải tuân thủ quy định về chứng minh nguồn gốc sản phẩm, nông dân đừng phá cam kết, “tham bát, bỏ mâm”...
Về lâu dài, ở tầm vĩ mô, cũng lại cần những bước đi dứt khoát để tạo đà cho sự cất cánh của nông sản Hà Nội, nhất là khi nhiều loại nông sản của Việt Nam đã xâm nhập thành công không ít thị trường khó tính. Đó là các chính sách hỗ trợ cho thuê, tích tụ ruộng đất nhằm hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; xây dựng nhà máy chế biến nông sản theo quy hoạch, tranh thủ sự đóng góp của các nhà khoa học ở Thủ đô giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là chú ý đến yếu tố bảo vệ môi trường… Thành phố cũng có thể tiếp sức cho người nông dân, doanh nghiệp qua việc tạo ra nền tảng giao thương thuận tiện bằng ứng dụng công nghệ thông tin, như: Sàn giao dịch thương mại điện tử, hệ thống quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống…
Nền nông nghiệp cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã, đang và sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu tới rủi ro thương mại… Chỉ có lòng tin của người tiêu dùng mới đủ sức giữ cho người nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp đứng vững. Cũng như vậy, chỉ có sự kết nối mạnh mẽ giữa các khâu, các địa phương mới có thể giúp người tiêu dùng có được bữa ăn an toàn mỗi ngày.
Với tinh thần đó, mỗi chủ thể liên quan đến chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản đều thấy vai trò, lợi ích trước mắt và lâu dài của mình để có thể cùng làm, cùng tiến nhằm phát triển bền vững nền nông nghiệp của Thủ đô và cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.