(HNM) - Thời gian qua, Hà Nội đẩy mạnh công tác phối hợp với các tỉnh, thành phố để xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh khâu tiêu thụ và tạo thuận lợi cho các ngành chức năng trong kiểm tra, giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm...
Lợi cả đôi đường
Trung bình mỗi tháng, Hà Nội tiêu thụ khoảng 7.000 tấn lương thực, thực phẩm, như: Gạo, thịt lợn, thịt bò, thủy - hải sản, thực phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm... Mặc dù nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân Thủ đô rất lớn, nhưng năng lực sản xuất thực tế còn hạn chế. Đơn cử như gạo, hiện chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu, thủy - hải sản đáp ứng 5%, thịt bò 15%... Để cung cấp nguồn nông sản, thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố.
Về hiệu quả của công tác phát triển chuỗi rau thịt, theo bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, hiện công ty cung cấp rất nhiều sản phẩm gạo ngon tại các siêu thị, cửa hàng an toàn trên địa bàn thành phố. Để đủ nguồn cung, công ty đã liên kết với các hợp tác xã, thu mua sản phẩm gạo an toàn trên địa bàn cả nước. Nhờ liên kết chuỗi mà sản phẩm gạo của công ty bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Còn theo bà Bùi Phương Thanh - Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã nông sản an toàn Sơn La (tỉnh Sơn La), thông qua chuỗi liên kết, hợp tác xã đã ký kết các hợp đồng kinh tế với siêu thị, doanh nghiệp của Hà Nội, hằng tháng, cung cấp hàng chục nghìn tấn rau, củ, quả an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Về kết quả phát triển chuỗi rau, thịt của các tỉnh cung cấp về Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay: Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển được 727 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản (tăng 184 chuỗi so với cùng kỳ năm 2018). Riêng thành phố Hà Nội duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã cấp 8 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố... Việc phát triển chuỗi rau, thịt an toàn đã kết nối cung - cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm với các hợp tác xã, nông dân; đồng thời, qua đó chủ động sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ. Nhiều hàng hóa về Hà Nội đã được truy xuất xứ rõ ràng, giá cả ổn định...
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác xây dựng chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn còn khó khăn. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên Đỗ Minh Tuân cho biết: Do sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, trong trồng trọt chưa giải quyết được vấn đề tích tụ ruộng đất, chưa thu hút doanh nghiệp tham gia vào đầu tư sản xuất. Việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các tỉnh còn chậm; công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng. Chương trình phối hợp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm với Hà Nội chưa thường xuyên, thông tin về sản phẩm doanh nghiệp của Hưng Yên khi tiêu thụ tại các chợ đầu mối, nông sản của Hà Nội chưa ổn định...
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, theo ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam: Hà Nội cũng như các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xúc tiến thương mại trong tiêu thụ sản phẩm. Các tỉnh cần cung cấp thông tin về sản phẩm, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiêu biểu cho doanh nghiệp của Hà Nội để kết nối giao thương, ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm.
Thời gian tới, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội cùng các tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh việc phát triển chuỗi nhằm đạt kết quả cao. Theo đó, Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện chương trình liên kết vùng, thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Các tỉnh, thành phố cần chủ động phối hợp, thông tin hai chiều về những vấn đề nóng như: Tình hình dịch bệnh, các cơ sở an toàn dịch bệnh, đủ điều kiện vệ sinh thú y; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để cung cấp tới doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng dễ nhận biết, an tâm khi sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.