Vấn đề quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm ở các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Dù vậy, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Kiểm tra vẫn phát hiện vi phạm
Để kiểm soát an toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay, quận Hai Bà Trưng đã công khai danh sách các cơ sở vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm do UBND các phường ban hành quyết định xử phạt trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, thường xuyên tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể..., trong đó, phát hiện và xử lý nhiều cơ sở vi phạm. Các lỗi vi phạm được phát hiện chủ yếu là bày bán, chứa thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ không bảo đảm vệ sinh; không mặc trang phục bảo hộ; thực phẩm không được che, ngăn chặn bụi bẩn và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 1.925 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm; 55 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 456 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Từ đầu năm đến nay, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tới người dân; tổ chức tuyên truyền trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, các ban, ngành, đoàn thể và tuyên truyền gián tiếp, như: Phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu… Toàn huyện kiểm tra gần 900 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; xử lý những cơ sở vi phạm với số tiền hàng chục triệu đồng.
Nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp đã thanh tra, kiểm tra 50 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và xử phạt 9 tổ chức, cá nhân, với số tiền hơn 140 triệu đồng. Các lỗi vi phạm như kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm, vi phạm các điều kiện chung về an toàn thực phẩm…
Tăng cường công tác tuyên truyền
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, quận đang tập trung cao độ cho việc quản lý, bảo đảm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các chợ để cung ứng nguồn thực phẩm đạt yêu cầu về chất lượng phục vụ người dân. Cùng với tuyên truyền, các cơ quan chức năng trên địa bàn quận thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nhờ đó, ý thức, nhận thức của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về việc tuân thủ, giám sát các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm được nâng cao.
Cùng với các quận nội thành, các huyện ngoại thành như Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ... cũng đang tập trung tuyên truyền công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm thông qua các chiến dịch truyền thông, ký cam kết trách nhiệm đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Bên cạnh đó, các ban chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp huyện, xã cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng công tác giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm, tiến hành hậu kiểm, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, vật tư nông nghiệp, chợ, hệ thống phân phối, làng nghề. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm...; đầu tư kinh phí, trang thiết bị đánh giá chất lượng, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.
UBND huyện Chương Mỹ vừa ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 27-3-2023 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư “Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Theo đó, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, huyện nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ huyện tới xã, thị trấn theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ huyện tới cơ sở theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả, phù hợp theo quy định.
Để việc quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã; tập trung công tác hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định. Cùng với đó, các huyện cần tổ chức kiểm tra giám sát định kỳ các mô hình điểm, như: Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm theo chuyên đề, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh thực phẩm cho những cơ sở đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Ðối với người tiêu dùng, cần quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.