(HNM) - Thời gian qua, Hà Nội đẩy mạnh việc quản lý, tổ chức ký cam kết đối với các hộ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ, nhằm đưa các hộ vào hoạt động nền nếp. Tuy nhiên, yếu tố thời vụ đã gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm tra, giám sát chất lượng, đòi hỏi phải đẩy mạnh tuyên truyền về sản xuất thực phẩm sạch.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, sau gần 8 năm thực hiện Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27-12-2014 của Bộ NN&PTNT ban hành Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các quận, huyện, thị xã đã tích cực tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn cho các hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Theo đó, đã tổ chức ký cam kết cho 198.108 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ theo quy định.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức về chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản cho các cơ sở bằng hình thức trực tuyến cho 2.100 người tham gia. Trong đó, tập trung phổ biến điều kiện, quy định trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, hướng dẫn quy trình giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật văn bản mới cho cán bộ quản lý, hướng dẫn kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm, lựa chọn và sử dụng bảo quản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Hiện nay, việc tuyên truyền, ký cam kết đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ còn khó khăn. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung, hiện trên địa bàn huyện có hàng nghìn cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhưng phần lớn đều nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, hoạt động theo thời vụ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm soát chất lượng; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát thường xuyên, việc triển khai quy hoạch giết mổ trên địa bàn gặp nhiều khó khăn... Do đó, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức để các hộ sản xuất nhỏ lẻ ký cam kết; yêu cầu các xã kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu sản xuất tại các cơ sở.
Để quản lý các hộ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ ban đầu, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Lừng, thời gian tới, huyện đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp an toàn để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Huyện yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra giám sát tại cơ sở nhỏ lẻ, nếu kiểm tra phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; lập đường dây nóng để người dân tố giác những cơ sở kinh doanh trái pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn đầu vào cũng như đầu ra các mặt hàng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, ngành Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn. Hằng tuần, công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật. Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục mở các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ cấp huyện, xã, phường, thị trấn; hướng dẫn quản lý các cơ sở kinh doanh nông sản, thực phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.