(HNMO)- Chiều 8- 9, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND).
Về quy định chất vấn và xem xét trả lời chất vấn, qua thảo luận, nhiều đại biểu ủng hộ quan điểm chỉ cần có kiến nghị của cử tri hoặc vấn đề bức xúc là Quốc hội có quyền chất vấn các thành viên Chính phủ.
Với hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, trước đó, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến về nội dung lấy và bỏ phiếu tín nhiệm. Loại ý kiến thứ nhất tán thành trong Luật chỉ quy định chung về việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, còn quy trình, thủ tục cụ thể sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị đưa các quy định về lấy, bỏ phiếu tín nhiệm vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để thể hiện cho thống nhất, dễ theo dõi, dễ thực hiện.
Hội nghị lấy ý kiến giám sát hoạt động của Quốc hội và HĐND |
100% đại biểu thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm của Hà Nội phát biểu thảo luận nhận định nếu làm tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ. Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đề nghị quy định cụ thể thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm là định kỳ hàng năm trong dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, phải gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Người có 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm…
Ngoài vấn đề chính nêu trên, đại diện HĐND quận Hà Đông cho rằng dự thảo Luật nên quy định chế tài xử lý mạnh hơn đối với đơn vị được giám sát không thực hiện kết luận giám sát. Bên cạnh đó, cả 2 phương án Ban soạn thảo đề xuất đều quy định báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát do HĐND thành lập phải đưa ra HĐND để xem xét là không phù hợp. Bởi khoảng cách giữa hai kỳ họp thường lệ của HĐND là 6 tháng. Nếu phải chờ đến thời điểm này mới xem xét kết quả giám sát sẽ mất tính thời sự của các vấn đề phải giải quyết ngay. Còn nếu sau mỗi đợt giám sát chuyên đề tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét cũng không thật hợp lý. Vì vậy cần giao thường trực HĐND xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát HĐND và báo cáo kết quả giám sát trong kỳ họp gần nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.