Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cốt lõi là ý thức trách nhiệm

Minh Thúy| 11/07/2018 07:00

(HNM) - 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 411 vụ cháy làm 4 người chết, 9 người bị thương; thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8ha rừng… Đó là những con số được đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến quý II - 2018 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã tổ chức ngày 10-7. Cùng với vấn đề cấp nước sạch và tình hình tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố; công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận.


Tại hội nghị, những tồn tại trong công tác phòng cháy, chữa cháy đã được làm rõ, từ khó khăn về cơ sở hạ tầng bởi “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, trang thiết bị thiếu và yếu đến ý thức chủ quan của con người… Thực tại này cho thấy, nhiều vấn đề không thể khắc phục trong một sớm, một chiều. Chưa kể, bất cập còn đến từ sức ỳ, từ tâm lý chủ quan của con người; có những cản trở lớn do thiếu sự phối hợp giữa lực lượng phòng cháy, chữa cháy với các cấp chính quyền...

Để hạn chế những vụ cháy, nổ xảy ra, ngoài việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thời gian qua thành phố còn đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, không ít biện pháp “mạnh tay” đã được áp dụng với các chủ đầu tư vi phạm… Dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy chưa có chiều hướng giảm trong 3 năm gần đây, nhưng nổi cộm vẫn là nhận thức chủ quan của con người. Do đó, đòi hỏi cao nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chủ thể quản lý, sử dụng các cơ sở, công trình cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ thực thi công vụ và mỗi người dân.

Thay đổi nhận thức của các chủ thể trong việc phòng cháy, chữa cháy, tuyên truyền được coi là giải pháp “mưa dầm, thấm lâu”. Nhưng để “thấm” hiệu quả thì tùy thực tế mà mỗi địa phương cần có sự vận dụng khác nhau theo hướng sáng tạo, thiết thực. Đến nay, tuy nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi, song chỉ khi nói đi đôi với làm thì việc phòng, chống cháy nổ mới hiệu quả. Bên cạnh đó, để xây dựng một hệ ý thức mới trong phòng cháy, chữa cháy, các cấp học phổ thông cần sớm đưa vào chương trình học nội dung này. Các kỹ năng thoát nạn cần được lồng ghép trong các môn học, những buổi sinh hoạt chuyên đề…

Đặc thù của "giặc lửa" là thiệt hại luôn tỷ lệ thuận lớn với thời gian xảy ra cháy nên phương châm “4 tại chỗ” cần được chú trọng. Trong đó lực lượng tại chỗ và phương tiện tại chỗ là yếu tố hết sức quan trọng. Muốn vậy, đội ngũ những người làm công tác phòng cháy, chữa cháy cơ sở phải được đầu tư, trang bị kỹ năng, kiến thức; trang thiết bị phải hoạt động tốt... Vì thế, các cấp chính quyền cần có sự đầu tư để lực lượng này thực sự phát huy hiệu quả chứ không phải mang tính hình thức, đối phó.

Cuối cùng, cốt lõi nhất là mọi vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy phải được xử lý triệt để ngay từ khi mới phát sinh. Để việc này có kết quả, cần sự đồng trách nhiệm của nhiều bên như: Thanh tra xây dựng, chính quyền các cấp, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy… Do đó, sự phối hợp giữa các cơ quan này là rất cần thiết, nhưng cần rõ trách nhiệm mỗi bên. Như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại hội nghị, mọi vi phạm liên quan đến phòng cháy, chữa cháy phải được xử lý nghiêm; minh bạch trách nhiệm người đứng đầu; công tác quản lý nhà nước phải được phân định, không chối bỏ trách nhiệm… Chỉ khi trách nhiệm của các chủ thể được nâng lên thì nguy cơ cháy, nổ mới được kéo giảm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cốt lõi là ý thức trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.