Góc nhìn

Công khai và minh bạch

Gia Khánh 21/07/2023 - 06:37

Ở nước ta, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hình thành và đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế.

Thời điểm cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 12,6% Tổng sản phẩm trong nước (GDP), bằng 10% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Con số này cho thấy đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan trong khu vực (Malaysia là 56%, Singapore là 88% và Thái Lan là 25% GDP) thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Mặt khác, trong quá trình phát triển, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng xuất hiện những bất cập như chưa cân bằng giữa phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Số đông doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn thuộc những lĩnh vực rủi ro. Cá biệt, một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật công bố thông tin và sử dụng sai mục đích vốn huy động.

Khắc phục những bất cập, ngày 19-7 vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức khai trương Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Việc vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tạo ra kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế và giúp cơ quan quản lý cũng như người dân giám sát, bảo đảm thị trường công khai, minh bạch.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ được chuẩn hóa mà còn tăng tính thanh khoản (ngay sau khi khai trương Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường đã đạt tổng khối lượng giao dịch hơn 5 triệu trái phiếu, với tổng giá trị hơn 1.781 tỷ đồng), tạo dựng niềm tin, hạn chế rủi ro, giúp doanh nghiệp tiếp tục huy động vốn.

Với vai trò quan trọng như vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan liên quan là phải vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ổn định, an toàn, thông suốt; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoạt động, bảo đảm thanh khoản.

Từ những tồn tại, bất cập thời gian qua, cơ quan chức năng cần tiếp tục giám sát, nâng chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức trung gian, công ty chứng khoán, từ khâu phát hành đến hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, kiểm soát đối tượng tham gia đầu tư, đề cao đạo đức nghề nghiệp của cá nhân hành nghề. Đồng thời, qua giám sát kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Đối với nhà đầu tư, cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến chính sách pháp luật; đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư đi đôi với kịp thời cung cấp thông tin tình hình thị trường và xử lý tin không chính thống, sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Về lâu dài, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn quan trọng, bền vững, phát triển xứng với tiềm năng, cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; trong đó chú trọng tiếp cận các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, mở rộng kết nối với thị trường quốc tế.

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kỳ vọng tạo ra sự minh bạch, công khai cho thị trường. Vì thế, cơ quan chức năng cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động, cung cấp dịch vụ, từ đó tăng cường quản trị và công khai thông tin doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công khai và minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.