(HNMO) - Làm sao để người dân có thể đóng góp trí tuệ trực tiếp vào hoạt động Quốc hội là vấn đề Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng trao đổi với phóng viên Hànộimới trong ngày làm việc cuối cùng của Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng. |
-Thưa ông, làm thế nào để Quốc hội ngày càng gần gũi với nhân dân hơn là vấn đề Quốc hội đã thẳng thắn đặt ra trong kỳ họp Quốc hội này. Ông cho rằng tăng cường công khai thông tin về hoạt động Quốc hội có phải là yếu tố quyết định?
-Tôi đánh giá chủ trương cho công dân được dự thính các phiên họp toàn thể, công khai của Quốc hội là nội dung mới và quan trọng trong kỳ họp Quốc hội này. Tôi tán thành nhưng theo tôi phải quy định theo hướng tạo điều kiện để công dân được dự thính các phiên họp Quốc hội. Bởi người dân chúng ta có quyền giám sát hoạt động của Quốc hội, việc tham dự trực tiếp là một hình thức giám sát của người dân. Thứ nữa, hoạt động của Quốc hội nên làm sao để người dân đóng góp trí tuệ vào trực tiếp trong hoạt động của Quốc hội ngay càng nhiều càng tốt. Nếu làm tốt điều này có nghĩa Quốc hội đã thể hiện quan điểm chính trị, một quan điểm dân chủ của Quốc hội đối với việc để cho người dân không những tiếp cận mà còn có thể giám sát các hoạt động của Quốc hội.
- Cùng với việc mở cửa để nhân dân vào dự các phiên họp công khai, làm thế nào để người dân có thể đóng góp trí tuệ trực tiếp trong các phiên họp Quốc hội sắp tới, thưa ông?
- Nên có những quy định về cơ chế và hình thức để cho người dân trực tiếp đóng góp ý kiến của mình vào hoạt động đó của Quốc hội, ví dụ như các hộp thư, các phòng trao đổi có người tiếp để người dân có thể phản ánh, trao đổi trực tiếp ý kiến của mình.
Với hoạt động chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội cũng là nội dung cử tri rất quan tâm. Tôi đề nghị bổ sung quyền của chủ tọa, được chuyển từ hình thức chất vấn trực tiếp trên hội trường sang hình thức chất vấn theo cách khác như bằng phiếu hoặc gặp riêng, trong trường hợp mà đại biểu quốc hội (ĐBQH) nêu câu hỏi không đúng với nội dung chất vấn đã được Quốc hội thống nhất hoặc trong trường hợp người được chất vấn trả lời không đúng với nội dung câu hỏi của ĐB hoặc nội dung của phiên chất vấn đó để bảo đảm thời gian của hoạt động chất vấn. Người được chất vấn nếu trả lời chưa hết các nội dung câu hỏi của ĐB thì sau phiên họp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản các nội dung chưa trả lời hết.
- Vấn đề đáng lưu ý nữa trong kỳ họp này là các ĐBQH đề nghị Quốc hội tạo các điều kiện cần thiết để ĐBQH có điều kiện tranh luận hơn nữa về các vấn đề có ý kiến khác nhau; Triển khai có tạo được bước tiến dài trong dân chủ nghị trường?
- Có nhiều ĐB nói về tranh luận thật. Tôi cho rằng đây là vấn đề cũng cần quan tâm nhưng không thể thiết kế kỳ họp Quốc hội theo hướng toàn tranh luận cả. Thứ nhất, Quốc hội chúng ta không phải là Quốc hội đa đảng. Thứ hai, về nguyên tắc các ĐBQH ngang quyền, anh có quyền phát biểu tại kỳ họp thì tôi cũng có quyền phát biểu. Vậy làm thế nào để ĐBQH nào cũng có đủ thời gian tranh luận là không tưởng. Thời gian họp Quốc hội là thời gian có hạn chứ không phải là cứ tranh luận mãi được. Nếu cứ tranh luận ở Quốc hội, có thể cũng có cử tri nói rằng chúng tôi bầu các ông ra để cãi nhau à. Cho nên tôi nghĩ rằng vấn đề này cũng nên cân nhắc và theo tôi nên thiết kế trong kỳ họp Quốc hội có thể có phần thảo luận và dành phần tranh luận thời gian từng bước và hướng thứ hai, Quốc hội thiết kế những không gian riêng để ĐB nào có nhu cầu tranh luận thì đến đó tranh luận.
-Hoạt động của Quốc hội theo cơ chế tập thể. Thế nhưng, lâu nay với những vấn đề có ý kiến khác nhau, tại các phiên họp của các Ủy ban, họp đoàn lại thường được kết luận rất chung chung, thay vì biểu quyết. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Tôi nghĩ rằng hoạt động Quốc hội theo cơ chế tập thể, quyết định theo đa số. Cho nên trong các phiên họp của Hội đồng dân tộc, hoặc các Ủy ban, thậm chí phiên họp của các đoàn, nếu những nội dung nào cần thiết cần tiến hành cơ chế biểu quyết, quyết định theo đa số.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.