Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công cụ tự ''sửa mình''

Thiện Mỹ| 05/03/2022 06:11

(HNM) - Được đo lường bằng những tiêu chí cụ thể, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) là một kênh quan trọng để các cơ quan hành chính nhà nước tự “soi mình” và “sửa mình”, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác.

Với mục tiêu cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính, những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực đầu tư cả về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, cải cách hành chính... Từ quyết tâm đó, năm 2020, chỉ số SIPAS của Hà Nội đạt 85,15 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố; tăng 19 bậc so với năm 2019 và kết quả đánh giá 5/5 tiêu chí đều cao hơn năm 2019...

Về tổng thể là vậy, song với từng chỉ số thành phần, vẫn còn những điều rất đáng băn khoăn. Đặc biệt, một số yếu tố chủ quan vẫn là rào cản trong việc nâng tầm chỉ số này. SIPAS với 5 yếu tố cơ bản (Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; Thủ tục hành chính; Công chức giải quyết công việc; Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; Tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị), nhưng Hà Nội vẫn còn một số tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa được như mong muốn, nhất là tiêu chí tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức; trong đó, lĩnh vực tài nguyên - môi trường có chỉ số hài lòng ở mức thấp…

Nhìn nhận thực tế nêu trên để thấy, cần có giải pháp thiết thực để hóa giải những điểm nghẽn này.

Trước hết, điều quan trọng là mỗi ban, sở, ngành và các cấp chính quyền cần biết mình đang được đánh giá mạnh, yếu ở điểm nào; cần bám vào báo cáo phân tích kết quả Chỉ số SIPAS từng năm để tìm giải pháp khắc phục ngay những tồn tại; tập trung hoàn thành nhiệm vụ tại các kế hoạch của UBND thành phố về nâng cao Chỉ số SIPAS.

Xét một cách khách quan, những tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức với công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc như: Trả lời, giải đáp đầy đủ các ý kiến; hướng dẫn kê khai hồ sơ tận tình, chu đáo, dễ hiểu... là những công việc đương nhiên một cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện. Song đâu đó, vẫn có công chức, viên chức tự cho mình “quyền hành”, gây khó dễ với cá nhân, tổ chức... Do vậy, bên cạnh việc lựa chọn nhân sự hợp lý cho bộ phận giao dịch với người dân, cần nghiêm khắc xử lý những công chức, viên chức lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ để gây khó khăn, vòi vĩnh doanh nghiệp, người dân...

Một trong những yếu tố cơ bản, quyết định sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là các thủ tục hành chính được giản tiện, tiết giảm chi phí... Do đó, cải cách hành chính vẫn phải là một nhiệm vụ trọng tâm.

Mới đây nhất, ngày 18-2, tại Hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính năm 2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo, tất cả sở, ban, ngành, các cấp chính quyền phải triển khai ngay kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của cơ quan, đơn vị mình; chủ tịch UBND cấp huyện cần lập đoàn kiểm tra công vụ đột xuất, tái kiểm tra việc thực hiện kết luận được chỉ ra từ lần kiểm tra trước; UBND cấp xã triển khai sáng tạo các giải pháp nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính...

Có rất nhiều việc phải tiếp tục làm để Chỉ số SIPAS được nâng cao. Với cách đánh giá khách quan, chỉ số này là một công cụ để mỗi công chức, viên chức cơ quan, đơn vị tự “sửa mình”; qua đó, cải thiện việc cung cấp các dịch vụ hành chính công, đáp ứng yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công cụ tự ''sửa mình''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.