(HNM) - Tiếp công dân là công tác đặc biệt quan trọng của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Qua 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Kết quả rõ nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đã giảm dần qua các năm. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của công tác tiếp dân ở cấp cơ sở, nhất là trong tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân. Theo thống kê trong năm 2017, duy nhất một thông tin chưa vui là số đoàn khiếu nại, tố cáo đông người tăng (13,5%). Tuy nhiên, chỉ điều này cũng khiến chúng ta phải băn khoăn, suy nghĩ…
Vấn đề cần xem xét là, việc tiếp công dân của các cấp, đặc biệt ở cơ sở đã thực chất, hiệu quả? Cán bộ, công chức đã làm tròn nhiệm vụ trước công dân?
Thẳng thắn nhìn nhận, dù đã đạt kết quả nhất định nhưng công tác tiếp công dân vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm so với quy định, chất lượng chưa cao. Đáng nói, vẫn có tình trạng người dân phải “năm lần bảy lượt” tới cơ quan công quyền chỉ vì cán bộ tiếp dân thiếu hợp tác, thậm chí có thái độ không đúng mực…; hoặc vì năng lực hạn chế nên chưa giải đáp đến nơi đến chốn thắc mắc của người dân.
Đáng chê trách hơn là ở một số nơi, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định; có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, né tránh hoặc “khoán trắng” cho công chức tiếp dân, cơ quan thanh tra… Điều này cho thấy, nhận thức của lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa đúng mức, chưa thực sự coi công tác tiếp dân là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định chính trị, xã hội.
Thực tế cho thấy, công tác tiếp công dân có quan hệ chặt chẽ với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Muốn thực hiện tốt giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải làm tốt việc tiếp công dân, từ đây sẽ khắc phục được tình trạng đơn thư vượt cấp, gửi không đúng chủ thể có thẩm quyền giải quyết… Việc tiếp công dân phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.
Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ động tiếp công dân, trực tiếp đối thoại sẽ giúp giảm tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp và hình thành “điểm nóng”. Đối thoại cũng là một trong những phương thức hữu hiệu tăng cường trách nhiệm giải trình của người có trách nhiệm ở cơ quan, đơn vị với công dân; là cách thức để công dân đánh giá năng lực, phẩm chất, uy tín của người đứng đầu. Thực tế thời gian qua, một số nơi ở Hà Nội đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc trong quá trình tiếp dân nhưng đã được người đứng đầu địa phương kịp thời xử lý, xin lỗi và khẩn trương khắc phục vụ việc. Đây là bài học đáng để soi chiếu, rút kinh nghiệm.
Công tác tiếp công dân là hoạt động phức tạp, phải vừa linh hoạt, mềm dẻo vừa đúng nguyên tắc, đúng pháp luật, do vậy, người tiếp công dân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần thể hiện trách nhiệm, thường xuyên nâng cao trình độ, năng lực, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ.
Lắng nghe người dân, làm tốt công tác tiếp dân sẽ góp phần củng cố mối quan hệ và lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.