Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn lãng phí nhà đất thuộc sở hữu nhà nước

Bài, ảnh: Nguyễn Lê| 26/05/2017 07:00

(HNM) - Nhà đất thuộc sở hữu nhà nước nếu được quản lý hiệu quả sẽ đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách...


Nhiều nhà xưởng nằm ở vị trí "đất vàng" ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé vẫn chưa sử dụng hiệu quả.


Thất thu ngân sách...

Thời gian qua, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã rà soát nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Qua thẩm định 45 hồ sơ cho thấy, đến nay nhiều dự án trong số này còn dở dang, doanh nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng đã huy động vốn từ khách hàng trong khi ngân sách nhà nước chưa thu được đồng nào. Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), sau 10 năm thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg (Quyết định 09) của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg (sửa đổi, bổ sung Quyết định 09), TP Hồ Chí Minh đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhiều khu nhà xưởng bỏ hoang thành đất ở, hình thành nhiều khu nhà cao tầng góp phần đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số điểm chưa thống nhất, chưa chặt chẽ, dễ gây thất thoát tài sản nhà nước.


Đối với nhà ở hiện hữu thuộc sở hữu nhà nước, thống kê của Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn thành phố còn khoảng 9.000 căn nhà do Nhà nước quản lý chờ mua bán theo Nghị định số 99/2015/ NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Những căn nhà này tập trung chủ yếu tại các quận 1, 5, 10, Bình Thạnh và nhà ở do Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh quản lý. Theo các chuyên gia, nếu bán số lượng nhà ở này theo giá thị trường sẽ đem lại nguồn thu ngân sách rất lớn cho thành phố. Tuy nhiên, đến nay việc mua bán vẫn bị ách tắc do nhiều nguyên nhân khác nhau, gây lãng phí lớn.

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, vướng mắc chủ yếu hiện nay trong bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là việc xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước làm cơ sở cho việc mua bán nhà. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có nguồn gốc rất phức tạp, bố trí sử dụng không rõ ràng, thậm chí bị chiếm dụng hay mua bán sang tay trái phép nên cần phải có những quy định quản lý phù hợp, mang tính đặc thù của thành phố.

Sử dụng phải hiệu quả

Về vấn đề quản lý, sử dụng đất một cách hiệu quả, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở sẽ phân loại từng nhóm dự án để đề xuất UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp phù hợp, để vừa bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp đồng thời tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, nhằm tránh thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, thất thu ngân sách. Đồng tình với hướng xử lý này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, đối với các dự án chưa thực hiện đúng thẩm quyền thủ tục giao đất nhưng đã được chủ đầu tư khởi công xây dựng nên tạo điều kiện để hoàn thành dự án, tránh gây lãng phí với điều kiện chủ đầu tư phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo HoREA, có 3 nhóm chủ đầu tư dự án: Đơn vị được cổ phần hóa hoặc đơn vị có đất nhà xưởng là chủ đầu tư dự án bất động sản tại vị trí đất cũ (chính chủ); chính chủ liên doanh với doanh nghiệp bất động sản làm chủ đầu tư dự án; khu đất đã được sang nhượng cho chủ đầu tư khác để làm dự án bất động sản (có thể đã được sang nhượng nhiều lần); trong đó có những dự án đã hoàn thành, có những dự án đang triển khai hoặc đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư... cần có giải pháp quản lý phù hợp để vừa bảo đảm quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng pháp luật, xác định giá đất sát giá thị trường, không làm thất thu ngân sách nhà nước. Qua đó, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc quyết định thay thế Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg, để tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhằm đẩy nhanh công tác mua bán loại tài sản này, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn cách xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở, đồng thời cho phép thành phố vận dụng 7 trường hợp đã được Bộ hướng dẫn để xử lý việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Trước mắt, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành phố được vận dụng xử lý đối với các trường hợp hồ sơ đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết trong thời gian qua.

Về thẩm quyền của địa phương, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận ủy quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng thực hiện ký quyết định phê duyệt đối tượng được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, ký quyết định phê duyệt giá bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến việc quản lý, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn lãng phí nhà đất thuộc sở hữu nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.