Thiếu hiểu biết, đặt niềm tin nhầm chỗ..., không ít người dân ở xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) và xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) đã trở thành nạn nhân của một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, khiến họ rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Thực tế này gióng lên hồi chuông cảnh báo, người dân cần tỉnh táo trước các chiêu trò giao dịch liên quan đến tiền, nhà đất...
Nguy cơ “trắng tay”
Năm 2011, ông Nguyễn Thái Thú, thôn Thành Vật, xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) có nhu cầu vay tiền mua xe ô tô cho con. Ông đến ngân hàng hỏi thủ tục nhưng không được vay vì không có thu nhập. Trước sự bế tắc này, người quen giới thiệu ông Thú tiếp cận một người tên H. ở phường Dương Nội (quận Hà Đông) để vay tiền. Sau khi tiếp cận, chị H. nói ông Thú phải sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới vay được tiền. Theo hướng dẫn của chị H., vợ chồng ông Thú cùng chị H. ra văn phòng công chứng ký rất nhiều thủ tục... Ký xong, chị H. hẹn ông Thú sau ít ngày đến lấy tiền nhưng ông không nhận được đồng nào vì nhiều lý do. Qua nhiều lần đòi không được, đến năm 2017, khi có người nói đất của gia đình bị thế chấp ngân hàng, ông Thú mới vỡ lẽ sổ đỏ của mình đã bị sang tên cho em chị H. và người này dùng sổ đỏ để thế chấp cho bên thứ ba vay tiền ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. "Đáng nói là trong gần 12 năm qua, nhưng gia đình tôi vẫn là người quản lý, sử dụng và đóng thuế nhà đất hằng năm? Ngân hàng đã gặp ai để thẩm định tài sản này?”, ông Thú đặt vấn đề.
Ngoài trường hợp gia đình ông Thú, ở thôn Thành Vật còn có thêm 3 trường hợp nữa cũng trong tình cảnh tương tự. Theo đó, các gia đình cũng được hứa hẹn cho vay tiền và cùng ra văn phòng công chứng thực hiện hợp đồng ủy quyền. Điểm khác là trong hợp đồng ủy quyền có điều khoản về thời hạn và các hộ đinh ninh sau thời hạn ủy quyền (5 năm, 10 năm) sẽ nhận lại sổ đỏ. Vậy nhưng, đến nay các hộ như "ngồi trên đống lửa" khi biết sổ đỏ của mình đang bị thế chấp ở ngân hàng... Tìm người dẫn mối cho vay tiền thì người này đã không còn ở nơi cũ.
Không vay tiền như các hộ ở xã Đồng Tiến nhưng hàng chục hộ dân ở thôn Tân Dân 2, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) những ngày này cũng đang lo lắng vì số tiền tiết kiệm, tích cóp nhiều khả năng cũng “tan biến” vì "vỡ phường hụi”. Theo người dân, do tin tưởng người làng nên họ đã bầu bà Lưu Thị Minh Tâm ở đội 8, thôn Tân Dân 2 là người thu tiền. Phường hụi tồn tại cả chục năm, có 45 người chơi, việc thu tiền không có biên lai, chỉ bà Tâm ghi vào sổ.
Sau khi mời mọi người đến phổ biến việc chia tiền và được người chơi nộp “róc”, cuối tháng Hai âm lịch (năm 2023), bà Tâm rời khỏi địa phương và không trả tiền cho bất kỳ ai... Nhiều người đã mất cả trăm triệu đồng cho phường hụi như: Chị Lê Thị Lương 130 triệu đồng; bà Lê Thị Thoan 210 triệu đồng... “Tôi tích cóp từng đồng, không dám ăn, không dám tiêu để tiết kiệm có tiền chơi hụi, mong lúc ốm đau có khoản trông vào. Vậy mà giờ mất trắng...”, bà Nguyễn Thị Tẹo (75 tuổi) than thở.
Tháng 5-2023, người dân đã gửi đơn tố cáo hành vi của bà Tâm vì cho rằng có yếu tố lừa đảo và Công an huyện Thanh Oai đã mời người dân lên lấy lời khai...
Cẩn trọng và nâng cao hiểu biết pháp luật
Thừa nhận ở địa phương có hiện tượng trên, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến Phạm Văn Hưởng cho biết, mọi giao dịch đều diễn ra ở văn phòng công chứng nên địa phương không thể biết bản chất của các giao dịch này. Từ năm 2011 đến nay, cả 4 gia đình trên vẫn đang quản lý, sử dụng nhà đất và đóng thuế sử dụng đất hằng năm. Sau khi có dư luận về việc lừa sang tên sổ đỏ, UBND xã đã tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân phải cẩn trọng, tìm hiểu kỹ nội dung trước khi ký các văn bản...
Còn về vụ "vỡ hụi", Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Việt Hùng thông tin, các hộ dân chơi hụi mang tính chất tương trợ, giúp nhau khi nhà có công chuyện. Sau khi sự việc xảy ra, xã đã hướng dẫn người dân gửi đơn đến cơ quan chức năng để được xử lý. Địa phương mong muốn vụ việc được giải quyết nhanh chóng để ổn định tình hình và bảo đảm quyền lợi người dân.
Liên quan đến 2 vụ việc trên ở xã Đồng Tiến và xã Phương Trung, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Công an huyện Thanh Oai đều khẳng định, các đơn vị đã tiếp nhận thông tin và đang giải quyết theo quy định...
Từ thực tế trên cho thấy, người dân thực hiện các giao dịch dựa trên niềm tin là chính nên đã tạo ra những lỗ hổng mà chính hộ dân là người “cầm dao đằng lưỡi”. Đề nghị cơ quan chức năng xác minh những điểm còn bất thường để làm sáng tỏ vấn đề. Qua đây, mỗi người nên tìm hiểu kỹ quy định pháp luật để không rơi vào “bẫy” các giao dịch “tiền mất, tật mang”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.