Theo dõi Báo Hànộimới trên

Con đường tất yếu

Chí Kiên| 22/11/2018 06:25

(HNM) - Thời gian qua, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại khu vực doanh nghiệp nhà nước đã đạt kết quả tích cực, hầu hết doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đều sản xuất kinh doanh hiệu quả...


Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TƯ ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đã từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các thể chế, thiết chế hiện có để hỗ trợ cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó phải kể đến việc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động, bước đầu thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Dẫu vậy, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn còn chậm. Có nhiều lý do nhưng chủ yếu là một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong quá trình triển khai. Đáng nói, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị chưa cao, còn tình trạng vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính.

Cá biệt, có trường hợp lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số dự án... Ngoài ra, còn những vướng mắc về tài chính, xác định giá trị đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa; tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với nhà đầu tư...

Thực tế, qua quá trình cổ phần hóa và thoái vốn, nhận thức về vai trò doanh nghiệp nhà nước là việc quan trọng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải khắc phục ngay những yếu kém nội tại, vượt qua tư duy cũ, nói không với lợi ích nhóm..., bảo đảm hài hòa để đạt hiệu quả thực chất nhất.

Muốn vậy, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 12-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 60/2018/QH14 ngày 15-6-2018 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Qua đó tạo sự nhất trí cao trong hệ thống chính trị, nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với việc hoàn thiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, phải gắn kết quả triển khai sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp; kiên quyết không để tình trạng "sân trước, sân sau"... Đồng thời, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ theo cơ chế thị trường.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cùng tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0…, các doanh nghiệp nhà nước sau khi được cơ cấu lại phải đi đầu trong đổi mới, áp dụng công nghệ, phương thức kinh doanh theo hướng thông minh, năng lực cạnh tranh cao hơn. Trong đó cần lưu ý những lĩnh vực như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử..., đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình quản lý, quản trị trong nền kinh tế 4.0.

Con đường cổ phần hóa, thoái vốn dẫu còn nhiều chông gai nhưng là tất yếu để doanh nghiệp nhà nước khẳng định vị thế, nâng cao khả năng cạnh tranh, từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.