Theo Reuters, ngày 19-10, Bộ trưởng Quốc phòng của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết ủng hộ "con đường không thể đảo ngược của Ukraine hướng tới sự hội nhập hoàn toàn vào châu Âu-Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)".
Tuyên bố này được đưa ra trong Hội nghị bộ trưởng quốc phòng G7 lần đầu tiên tại thành phố Naples, miền Nam Italia.
Các bộ trưởng cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cả trong ngắn hạn và dài hạn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo và hỗ trợ cho Lực lượng Phòng vệ Ukraine.
"Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực tương ứng của NATO và EU theo Chương trình hỗ trợ và đào tạo an ninh của NATO dành cho Ukraine và Phái bộ hỗ trợ quân sự của EU", tuyên bố nêu rõ. Các bộ trưởng cũng xác nhận mục tiêu đạt được "hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài" tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, theo quy định của luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, lập trường của Nhà Trắng liên quan đến việc Ukraine gia nhập NATO là lời mời gia nhập NATO có thể sẽ không được đưa ra trong thời gian ngắn, với lý do cần phải cải cách và đáp ứng các điều kiện an ninh của liên minh.
Tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày "kế hoạch chiến thắng" của mình với EU và NATO nhưng không nhận được lời mời gia nhập ngay lập tức mà ông kêu gọi.
Cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng quốc phòng G7 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon.
Italia giữ chức chủ tịch luân phiên G7 năm 2024 trong khi phương Tây đang vật lộn với sự tiến quân của Nga ở Ukraine, cũng như căng thẳng gia tăng dọc biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc.
Tuyên bố chung của G7 kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và trả tự do cho các con tin Israel vẫn bị Hamas bắt giữ, cho rằng các cuộc tấn công và trả thù có nguy cơ "làm gia tăng căng thẳng không thể kiểm soát ở Trung Đông".
Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto, người chủ trì hội nghị G7 tại thành phố Naples phát biểu tại cuộc họp báo sau sự kiện rằng, G7 không thể tự mình giải quyết căng thẳng toàn cầu mà cần phải thúc đẩy hành động của cộng đồng quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.