Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơn địa chấn trên chính trường Israel

Trung Hiếu| 30/11/2012 07:44

(HNM) - Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak tuyên bố rút khỏi đời sống chính trị quốc gia Do Thái đã và đang trở thành sự kiện chính trị thu hút dư luận khu vực Trung Đông những ngày qua.


Trong một cuộc họp báo bất ngờ tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở thủ đô Tel Aviv (26-11), ông E.Barak, 70 tuổi, cho biết sẽ rút lui khi Chính phủ mới ra mắt sau cuộc tổng tuyển cử (dự kiến vào ngày 22-1-2013); đồng thời, vị bộ trưởng cũng nhấn mạnh sẽ không tranh cử trong cuộc bầu cử Nghị viện sắp tới.


Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak

Với quyết định này, ông E.Barak sẽ chấm dứt sự nghiệp với nhiều thập kỷ từng đưa ông lên các vị trí cấp cao trong Chính phủ quốc gia Do Thái, trong đó có cả vị trí Thủ tướng. Mặc dù vị bộ trưởng này cho biết, quyết định nghỉ ngơi là mong muốn dành thời gian nhiều hơn cho cuộc sống riêng và gia đình; nhưng, tuyên bố rời chính trường của ông E.Barak được loan báo chỉ vài ngày sau khi cuộc giao tranh ở Dải Gaza kết thúc đã làm dấy lên những nhận định trái ngược trong khu vực và quốc tế. Với phương Tây, thời điểm rời chính trường sau cuộc chiến ở Dải Gaza có thể là một kết thúc trong vinh quang với ông E.Barak. Trong khi đó, phong trào chủ chiến - Hamas - ở Gaza lại cho rằng quyết định này cho thấy cuộc tấn công của Israel là thảm họa; sự thất bại chính trị và quân sự của Tel Aviv. Tuy nhiên, giới nghiên cứu chính trị quốc tế thì lại có nhận định khác khi cho đây là điềm báo về mối bất hòa đang ngày càng tăng trong nội bộ Chính phủ Israel hiện nay.

Trên chính trường Israel thời điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng E.Barak được nhiều nhà quan sát xem là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất một đòn tấn công phủ đầu Iran. Trong những tháng gần đây, ông luôn đề cập khả năng Israel tấn công Iran mà không cần Mỹ "bật đèn xanh". Vị “kiến trúc sư chính” trong các chính sách chống chương trình hạt nhân của Iran này từng nhấn mạnh, Tel Aviv sẽ không nghe theo lời khuyên của Mỹ nếu thấy quá muộn. Nhưng ý tưởng về một đòn phủ đầu đã không được Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu đồng tình. Đây được xem là "nút thắt" lý giải sự ra đi của ông E.Barak.

Trong quá khứ, ông B.Netanyahu và E.Barak từng là đồng đội trong đơn vị đặc nhiệm khét tiếng Sayeret Matkal nhưng như vậy là chưa đủ để mối quan hệ trên chính trường không nổi sóng khi cả hai đối mặt với quyết định mang tính sống còn của nhà nước Do Thái: tấn công hay không tấn công Iran. Ông E.Barak nhiều lần ngụ ý là Israel sẽ đơn phương tấn công Iran. Nhưng ông Meir Dagan, cựu lãnh đạo Mossad tuyên bố với báo chí Israel rằng, một cuộc tấn công bất ngờ có thể sẽ là thảm họa cho nhà nước Do Thái. Theo ông này, Thủ tướng B.Netanyahu sẽ không chia sẻ trò chơi chiến tranh đầy rủi ro.

Sự đối lập tư tưởng này có thể lý giải được, bởi cả hai nhà lãnh đạo đã đi theo hai lộ trình khác nhau kể từ ngày rời Sayeret Matkal. Lịch sử Israel đến giờ còn ghi nhận, năm 1999, đảng của ông E.Barak đánh bại đảng của Thủ tướng B.Netanyahu trong cuộc bầu cử Quốc hội với số phiếu áp đảo và lên làm Thủ tướng. Nhưng 10 năm sau, ông B.Netanyahu thắng trở lại với số phiếu không đủ nên phải thành lập chính phủ liên hiệp và trao cho ông E.Barak ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Trên cương vị đó, ông E.Barak từng giúp Thủ tướng B.Netanyahu trong các cuộc thảo luận cùng Mỹ và Châu Âu về việc ngưng mở rộng khu định cư của người Do Thái để cứu vãn tiến trình hòa bình với người Palestine. Nhưng, sự khác biệt về cách thức giải quyết chương trình hạt nhân của Iran giữa hai nhà lãnh đạo theo thời gian cho thấy cơn "sóng ngầm" đã lộ trên chính trường Israel. Sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng E.Barak cũng đồng nghĩa rằng, nhiều khả năng chính phủ mới do Đảng Likud của ông B.Netanyahu lãnh đạo sẽ khó khăn hơn trong xử lý vấn đề Palestine và Iran.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơn địa chấn trên chính trường Israel

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.