(HNM) - Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an), tính đến hết tháng 9-2014, cả nước đã xảy ra 1.551 vụ cháy tại nhà dân, cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ. Trung bình 1 tháng cả nước xảy ra 172 vụ cháy. Đó là con số thực sự gây lo ngại cho xã hội.
Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nên khí hậu khô nóng và ẩm ướt đan xen. Ở các tỉnh miền Nam có hai mùa: Mùa mưa và mùa khô rõ rệt; còn các tỉnh miền Bắc tuy có bốn mùa nhưng thực chất thời gian hanh khô khá dài, từ tháng 10 cho đến tháng 1 năm sau nên chỉ bất cẩn là có thể gây ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra các vụ cháy lớn nhỏ phần lớn là do con người. Qua các vụ cháy những năm trước và từ đầu năm đến nay cho thấy: Đa số chủ cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ, chính quyền địa phương, chủ hộ gia đình chưa nhận thức hết trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy nên chưa chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy và Nghị định 79/2014/NĐ-CP "Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi năm 2013".
Trong khu vực nội đô, luật cấm sử dụng các vật liệu dễ cháy như tre, nứa, lá… nhưng không ít quán ăn, cà phê vẫn sử dụng những vật liệu này mà không thấy cơ quan chức năng lập biên bản bắt dỡ bỏ. Luật cũng quy định các khu dân cư phải có đường giao thông để xe chữa cháy đi lại và phường, xã phải có đội dân phòng thường xuyên luyện tập làm lực lượng chữa cháy tại chỗ, song có rất ít địa phương thực hiện quy định này. Khi xảy ra cháy đều trông chờ vào lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Tình trạng các công ty có kho bãi tận dụng triệt để mặt bằng cho việc sản xuất, kinh doanh, bất chấp những quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy là rất phổ biến. Các cơ sở này thường cho nhiều đơn vị thuê để làm nơi sản xuất, tích trữ hàng hóa... với khối lượng lớn, vượt quá so với thiết kế, không bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định. Thậm chí, nhiều đơn vị tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình nhưng không báo cho cơ quan quản lý làm gia tăng nguy cơ và thực tế đã xảy ra các vụ cháy thiêu hủy khối lượng lớn hàng hóa, tài sản... Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định đối với cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, trong một năm, lực lượng cảnh sát phòng cháy chỉ được kiểm tra 4 lần và trước khi kiểm tra phải thông báo cho cơ sở trước 3 ngày, quy định này tạo kẽ hở cho các cơ sở sản xuất không mua sắm trang thiết bị phòng chữa cháy dễ dàng đối phó với cơ quan quản lý nhà nước.
Qua các vụ cháy cũng lộ ra nhiều bất cập như họng nước chữa cháy thiếu trầm trọng, nhiều ngõ lớn, khu dân cư bị các cọc bê tông chắn đường nên khi cháy xảy ra xe cứu hỏa không thể vào được. Tại các thành phố lớn, số hộ dân sống trong ngõ gấp nhiều số hộ dân sống ở mặt phố, song chưa hề có loại xe cứu hỏa nào có thể đi vào được ngõ ngách. Và một sự thật không thể phủ nhận, hầu hết các vụ cháy đều dập được nhưng tài sản thường là không còn gì. Với các vụ cháy khói làm ngạt thở gây chết người thì các nhà kiến trúc xây dựng chưa có thiết kế nào phù hợp cho mô hình nhà ống vốn phổ biến trên cả nước hiện nay để vừa bảo đảm an ninh lại vừa có thể thoát thân khi hỏa hoạn.
Hậu quả từ các vụ cháy trong 9 tháng đầu năm là rất lớn, làm chết 55 người, 119 người bị thương, thiệt hại vật chất ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu cơ quan chức năng, địa phương và cả người dân không chung tay giải quyết những bất cập thì các vụ cháy lớn nhỏ chắc chắn vẫn còn xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.