Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cởi trói" cho doanh nghiệp

Ngọc Quỳnh| 01/01/2018 06:42

(HNM) - Năm 2017, Bộ NN&PTNT ban hành kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý.


Giảm thủ tục hành chính

Trao đổi về những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận thủ tục hành chính, ông Lê Giang - Công ty TNHH Vĩnh An, một trong những doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi cho biết: Từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp chi phí gần 1 tỷ đồng cho kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Không những thế, thời gian kiểm nghiệm kéo dài 48 tiếng, thậm chí có trường hợp kéo dài 72 tiếng, gây tốn kém cho doanh nghiệp trong việc trả chi phí kho bãi.

Còn theo bà Lê Thị Trang - Công ty cổ phần Thực phẩm GN (tỉnh Long An), trước đây, để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy và phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản, nếu thuận lợi doanh nghiệp mất 1 tháng, còn nếu phải bổ sung hồ sơ phải mất 3 tháng mới hoàn thành. Do thời gian làm thủ tục hành chính kéo dài, khiến doanh nghiệp mất nhiều hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài, chưa kể chi phí lưu kho, lưu bãi, thậm chí làm sản phẩm giảm chất lượng...

May hàng xuất khẩu tại Công ty May Đức Giang, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt



Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã quyết liệt chỉ đạo công tác cải cách hành chính bằng việc rà soát, cắt giảm, sửa đổi các điều kiện kinh doanh. Trong đó, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức cũng như toàn bộ hệ thống bộ máy hành chính của Bộ. Qua rà soát, ngành Nông nghiệp có tổng số 345 điều kiện đầu tư kinh doanh, đến nay đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Kim Anh cho biết: "Bộ NN&PTNT đã thiết lập bộ phận một cửa tiếp nhận thủ tục hành chính của doanh nghiệp và người dân. Bộ phận này chỉ tiếp nhận chứ không trực tiếp giải quyết, sau đó sẽ phân loại hồ sơ, rồi chuyển cho từng đơn vị trực thuộc bộ để giải quyết thủ tục hành chính". Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai xây dựng, cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và 11 thủ tục hành chính. Việc làm này đã giảm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp...

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết: Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là vấn đề thủ tục xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã cơ bản cắt giảm được những nội dung có liên quan đến thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Hiện nay, toàn bộ khâu kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu áp dụng dịch vụ công mức độ 4; 100% triển khai qua cơ chế một cửa quốc gia. Việc áp này đã giúp giảm từ 60 đến 70% thời gian kiểm tra và thông quan hàng hóa. "Trước đây, nhiều doanh nghiệp phía Nam không có điều kiện ra Hà Nội nên phải thuê “cò” làm thủ tục. Nay nhờ triển khai qua mạng, doanh nghiệp có thể ngồi ở bất cứ đâu cũng tự làm được các thủ tục hành chính" - ông Dương cho biết thêm.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Cải cách hành chính đóng vai trò quan trọng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực nông nghiệp bước đầu vẫn gặp khó khăn. Phó chánh Văn phòng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trọng Ái cho biết: Hiện cơ chế một cửa quốc gia của Bộ NN&PTNT vẫn còn gặp tình trạng lỗi mạng internet, thường xuyên xảy ra trục trặc, khiến doanh nghiệp và các tổ chức đến giao dịch phải chờ đợi lâu nên thấy nản, thậm chí có trường hợp bỏ về khiến cho việc làm thủ tục phải đi lại nhiều lần...

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu ở các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT đều thiếu. Vì vậy, khi Cục Chăn nuôi triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi thường xuyên gặp trục trặc về mạng internet.

“Nếu áp dụng cách thức mới mà cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng thấy khó hơn, lâu hơn thì không ai muốn làm. Vì vậy, khi áp dụng phương thức này, Chính phủ nên quan tâm tới hạ tầng mạng, hiện đại hóa hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến làm thủ tục hành chính được nhanh, chính xác. Các bộ, ngành cần quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về làm công tác giải quyết thủ tục hành chính qua mạng cho cán bộ làm việc ở cơ chế một cửa quốc gia” - ông Nguyễn Xuân Dương đề xuất.

Để giải quyết những tồn tại, khó khăn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ phải nhanh chóng cập nhật số liệu và hoàn tất đưa các thủ tục hành chính lên cơ sở dữ liệu quốc gia. Những thủ tục hành chính đã chuẩn hóa phải được thống nhất với các thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia...

Nhằm tiếp tục có những chính sách giúp doanh nghiệp thuận lợi khi tham gia hoạt động kinh doanh, năm 2018, Bộ NN&PTNT xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 với 10 thủ tục hành chính. Cùng với đó, xây dựng cung cấp qua cổng dịch vụ công trực tuyến đến năm 2020 theo cơ chế một cửa quốc gia với 35 thủ tục hành chính để xử lý thủ tục qua mạng nhanh gọn, tiện lợi.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh trong lĩnh nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cởi trói" cho doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.