(HNM) - Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Đây là cội nguồn sức mạnh giúp Việt Nam vượt qua những thử thách to lớn, khiến bạn bè thế giới nể phục.
“Cùng nhau, chúng ta là đại dương“
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam ta. "Khi riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng ta là đại dương"...
Với tinh thần đó, 5 năm qua (2016-2020), Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.
Trong quá trình đó, Đảng, Nhà nước tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội. Các cấp, các ngành đã tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.
“Từ chủ trương của Đảng đến chính sách, pháp luật của Nhà nước, càng ngày quyền làm chủ của người dân càng được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân càng được củng cố”, ông Đỗ Quốc An, phường Quảng An (quận Tây Hồ) nói.
Thực vậy, chính nhờ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, 5 năm qua, Việt Nam tiếp tục chứng minh được bản lĩnh, trí tuệ trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Năm 2020, tại Thủ đô Hà Nội, nơi tiêu biểu nhất cho cả nước về bản lĩnh vượt khó trong đại dịch Covid-19, sức mạnh đoàn kết không chỉ thể hiện trong nội bộ giúp chiến thắng cả 3 đợt dịch mà còn gắn với lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Cũng chính nhờ đoàn kết, trong năm 2020, Hà Nội và cả nước đã vươn lên trên mặt trận kinh tế: Hà Nội tăng trưởng 3,98%, cả nước tăng trưởng 2,91% so với cùng kỳ năm 2019.
Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, và chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc". Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta”.
Chính vì vậy, hướng tới giai đoạn phát triển mới (2021-2025), Trung ương Đảng đã đề ra những nhiệm vụ nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, Trung ương Đảng chỉ rõ quan điểm: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Cùng với việc định ra những đường lối cụ thể nhằm phát triển từng giai cấp, tầng lớp, đối tượng trong khối đại đoàn kết toàn dân, Trung ương Đảng cũng nêu rõ yêu cầu phải bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo; hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài...
Nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, Trung ương khẳng định, phải tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Đánh giá cao chủ trương nêu trên của Trung ương Đảng, PGS.TS Nguyễn Xuân Tú (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) khẳng định, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học kinh nghiệm lớn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay và cần tiếp tục phát huy nhằm khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận: “Mỗi người con đất Việt hôm nay phải có trách nhiệm đoàn kết xây dựng đất nước...”.
Đây cũng là tâm nguyện chung của nhân dân cả nước đang hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khai mạc trong tuần tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.