(HNM) - Mới đây, Bộ Tài chính lấy ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, mức thuế áp dụng cho xăng dự kiến được điều chỉnh lên 3.000-8.000 đồng/lít, thay vì mức 1.000-4.000 đồng/lít hiện nay.
Thuế mặt hàng xăng, dầu tăng sẽ gây áp lực không nhỏ cho thị trường. |
Dự kiến thuế mặt hàng xăng, dầu tăng
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế BVMT, đối tượng chịu thuế ngoài các sản phẩm xăng, dầu như đã nêu ở luật cũ, có bổ sung thêm xăng E5 và xăng E10. Ngoài sản phẩm dầu hỏa, khung mức thuế tính trên mỗi đơn vị xăng, dầu đã tăng đáng kể so với quy định hiện hành. Cụ thể, khung mức thuế áp dụng cho xăng (trừ ethanol) là 3.000-8.000 đồng/lít (hiện là 1.000-4.000 đồng/lít); nhiên liệu bay: 3.000-6.000 đồng/lít (hiện là 1.000-3.000 đồng/lít); dầu diezel: 1.500-4.000 đồng/lít (nay là 500-2.000 đồng/lít); dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn: 900-4.000 đồng/lít, kg (hiện là 300-2.000 đồng/lít, kg). Các sản phẩm mới được đưa vào diện chịu thuế là xăng E5 và xăng E10 cũng bị đánh thuế BVMT với khung áp dụng 2.700-7.200 đồng/lít xăng E5 và 2.500-6.800 đồng/lít xăng E10. Rõ ràng là với khung thuế mới này nếu được áp dụng, với mỗi lít xăng, dầu, người dân sẽ phải trả thêm một khoản không nhỏ.
Lý giải cho việc thay đổi về chính sách thuế đối với mặt hàng xăng, dầu, không ít chuyên gia cho rằng, dự báo thời gian tới thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm mạnh, gây thâm hụt ngân sách nhà nước. Bởi vậy, việc điều chỉnh chính sách thuế cho xăng, dầu sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngân sách.
Cần công bằng với người dân
Trong bối cảnh người dân đã chịu nhiều gánh nặng bởi các loại thuế, phí, việc áp mức thuế môi trường cao cho xăng, dầu cần phải được tính toán kỹ càng và phải xem xét những tác động đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra băn khoăn về mục tiêu của việc điều chỉnh thuế BVMT đối với mặt hàng xăng, dầu.
Theo ông Nguyễn Xuân Thanh (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nếu điều chỉnh thuế để dùng nguồn thu cho việc làm sạch môi trường sống, hầu hết người dân sẵn sàng gánh thêm phí để mua xăng. Song, nếu người dân vẫn phải bỏ thêm nhiều tiền cho một lít xăng, với mức thuế dự kiến được áp dụng là 3.000-8.000 đồng/lít như dự thảo, trong khi môi trường sống không thay đổi sẽ là không công bằng cho người dân.
Thực tế là trước đây, mức thuế BVMT áp dụng cho xăng, dầu không nhỏ, nhưng mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Đó còn chưa kể tình trạng “thuế chồng thuế”, “phí chồng phí” vẫn đang diễn ra, bởi với các loại xe ô tô, xe máy được nhập khẩu vào Việt Nam đã được tính thuế theo dung tích xe, tiêu chuẩn khí thải, cũng được coi là thuế môi trường. Nếu khi mua xăng, người dân tiếp tục phải trả thuế có nghĩa là người dân phải chịu cảnh "thuế chồng thuế", “cõng” quá nhiều loại chi phí.
Còn nếu tăng thuế môi trường đối với xăng, dầu nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách lại không hợp lý, không nên chỉ điều chỉnh thuế với riêng mặt hàng này. Vì vậy cơ quan chức năng nên tính toán đến việc sử dụng các nguồn thu khác thay vì chỉ bằng cách tăng thuế BVMT đối với xăng, dầu mà kéo theo áp lực cho cuộc sống người dân.
Nếu so sánh với nhiều quốc gia khác trên thế giới, tỷ lệ thuế với xăng, dầu của Việt Nam thuộc loại cao, vì mặt hàng này đã phải chịu các loại thuế như tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, nhập khẩu..., nếu điều chỉnh thuế BVMT, không chỉ người dân, mà các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẽ phải chịu ảnh hưởng.
Thực tế là khi doanh nghiệp vận tải chịu áp lực của việc tăng giá xăng, dầu sẽ điều chỉnh tăng phí dịch vụ vận tải và khi đó người dân lại phải chịu thiệt hại thêm một lần nữa. Đó là chưa kể, nếu giá xăng trong nước quá cao sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu tràn lan từ các nước láng giềng như Lào, Campuchia...
Câu chuyện thuế, phí liên quan đến xăng, dầu lại một lần nữa làm nóng nhiều diễn đàn. Người dân cần phải chia sẻ gánh nặng đối với việc thu, chi ngân sách nhà nước, song để thu thuế hay phí cần phải được công khai rõ ràng. Xăng, dầu đang bị coi là tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, nên nếu tăng thuế cho việc BVMT cần phải có những giải pháp cụ thể và công khai với người dân.
Ngày 3-2, Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Luật Thuế BVMT hiện hành quy định khung mức thuế BVMT đối với xăng là từ 1.000-4.000 đồng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể mức thuế phù hợp trong từng thời kỳ (hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế BVMT đối với xăng là 3.000 đồng/lít). Phương Nguyên |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.