(HNM) - Phong trào Hồi giáo Taliban và Mỹ đang có những cuộc đối thoại được đánh giá là tích cực nhằm tìm một lối thoát cho cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tại nước này vào tháng 9 tới.
Cả hai bên đã có vòng đối thoại thứ 7 tại thủ đô Doha của Qatar, trong đó đàm phán tập trung vào 4 chủ đề gồm: Chống khủng bố, sự hiện diện của quân đội nước ngoài, tổ chức cuộc đối thoại nội bộ Afghanistan và một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.
Hiện các quan chức Mỹ và Taliban đã thống nhất tạm dừng các cuộc đàm phán hòa bình cho tới sau hội nghị các nhóm ở Afghanistan diễn ra trong hai ngày 7 và 8-7 ở Qatar.
Tháng 6-2018, Mỹ đã thể hiện sự thay đổi trong chính sách tại Afghanistan khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố nước này sẵn sàng “hỗ trợ, tạo điều kiện và tham gia” các cuộc đàm phán với Taliban.
Trải qua các vòng đối thoại vừa qua, Taliban khẳng định hai bên sẽ viết lại bản dự thảo thỏa thuận, theo đó các lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan để đổi lấy những bảo đảm của Taliban rằng lực lượng này sẽ chiến đấu chống khủng bố.
Cả Mỹ và Taliban đang nỗ lực xây dựng thỏa thuận quy định việc rút khoảng 14.000 binh sĩ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khỏi Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ.
Thỏa thuận được cho là sẽ bao gồm những cam kết rằng Afghanistan sẽ không chứa chấp các nhóm khủng bố khu vực như Al-Qaeda và Taliban sẽ tiếp tục chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vốn đã mở rộng sự hiện diện ở quốc gia Nam Á trong những năm gần đây.
Theo một số nguồn tin, Mỹ muốn có một năm rưỡi để rút các binh sĩ ra khỏi Afghanistan trong khi Taliban muốn việc rút quân phải hoàn tất trong 6 tháng. Phái đoàn Taliban tái khẳng định lập trường lâu nay rằng hòa bình chỉ có thể được khôi phục khi toàn bộ các lực lượng nước ngoài rời khỏi nước này. Đây sẽ là bước đi đầu tiên có ý nghĩa hướng tới một thỏa thuận chấm dứt 18 năm xung đột và là sự can dự quân sự lâu dài nhất của Mỹ.
Tuy nhiên, hai phía còn bất đồng trong một số vấn đề. Dù Ngoại trưởng M.Pompeo khẳng định Mỹ sẽ không thể thay thế cho nhân dân hay Chính phủ Afghanistan trong tiến trình hòa bình của quốc gia Nam Á này, song Taliban vẫn từ chối yêu cầu tiến hành đàm phán trực tiếp với Chính phủ Kabul mà Washington đưa ra vì họ không công nhận tính hợp pháp của chính phủ đương nhiệm.
Lực lượng này cũng chưa chấp nhận đòi hỏi của Mỹ về ngừng bắn hoàn toàn và chấm dứt xung đột với tất cả các phe phái khác của Afghanistan vì muốn có được sự bảo đảm trước từ phía Mỹ để phong trào của họ có thể tham gia vào đời sống chính trị của đất nước.
Cuộc chiến Afghanistan kéo dài từ năm 2001 đến nay đã "ngốn" hết của Mỹ trên dưới 1.000 tỷ USD. Việc duy trì hoạt động của lực lượng Mỹ tại quốc gia Nam Á cũng tiêu tốn 45 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, chi phí khổng lồ này lại chưa thể tiêu diệt được Taliban. Ngược lại, Taliban hiện kiểm soát hơn 60% lãnh thổ đang trở thành một lực lượng chính trị, quân sự có ảnh hưởng lớn ở Afghanistan.
Do đó, kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ che giấu quyết tâm rút quân đội Mỹ khỏi chiến trường Nam Á nhằm chấm dứt cuộc chiến lâu dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đến cuối năm 2018, ông chủ Nhà Trắng đã quyết định bắt đầu tiến trình rút một nửa trong tổng số 14.000 binh sĩ Mỹ đang triển khai tại Afghanistan. Ở một khía cạnh nhất định, động thái này được nhìn nhận như một sự bảo đảm của Mỹ với Taliban trước khi bước vào những cuộc đàm phán mới nhất.
Nhìn lại cuộc chiến kéo dài 18 năm vô cùng phức tạp với mối hận thù sâu sắc giữa Mỹ và Taliban, không ai nghĩ rằng hai bên lại có thể ngồi lại với nhau quanh bàn đàm phán. Vì vậy, những vòng đối thoại đang diễn ra đã là một bước tiến dài được kỳ vọng sẽ mang lại một kết thúc thật sự cho cuộc xung đột dai dẳng ở quốc gia Nam Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.