(HNMCT) - Đầu tuần vừa qua, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội thông báo đã tiến hành thí điểm việc đục thông vòm cầu số 93 trong số hơn một trăm vòm cầu đá nối từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên.
Đó là thông tin được chờ đợi bởi với việc thực hiện đề án nói trên, Hà Nội sẽ có thêm một không gian văn hóa đúng nghĩa - điều đang còn thiếu ở Thủ đô. Những thông tin về phần việc mà chủ đầu tư đã thực hiện từ năm 2017, trong khuôn khổ đề án này, đặc biệt là sự hình thành “phố bích họa” Phùng Hưng (khai trương vào đầu tháng 2-2018) với gần hai chục bức bích họa khổ lớn do các họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện, đã khơi dậy sự háo hức của công chúng Thủ đô về một không gian văn hóa ấn tượng với điểm nhấn là nghệ thuật công cộng.
Tuy vậy, việc đục thông vòm cầu số 93 cũng như sự hình thành “phố bích họa” chỉ là những phần việc đầu tiên thuộc một đề án lớn. Rồi đây, khi không gian công cộng đã hình thành, những người có trách nhiệm sẽ phải tính toán “bỏ” những gì vào đó nhằm tạo sức hút đối với cộng đồng và du khách. Nghệ thuật công cộng giữ vai trò không thể thiếu trong không gian đó, nhưng sẽ gồm những gì? Tranh tường, nghệ thuật sắp đặt và trình diễn, tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật đường phố…, thứ gì sẽ được chọn thêm cho khu vực phố đi bộ trong tương lai gần sẽ có những gian hàng ẩm thực, đồ thủ công mỹ nghệ và nhiều loại dịch vụ khác? Đó không phải điều dễ dàng bởi với một không gian công cộng xác định, loại hình nghệ thuật hay công trình nghệ thuật được triển khai tại đó phải phù hợp với cảnh quan, đặc trưng văn hóa và thậm chí là những yếu tố mang tính lịch sử, không phải thứ gì cũng “vào” được.
Phố sách Hà Nội, “phố bích họa” Phùng Hưng và không gian đi bộ mới ở khu vực này… Những không gian công cộng mới góp phần bổ sung cho những gì đã có nhưng tỏ ra thiếu ý tưởng hoặc chưa hoàn chỉnh trong thực tế. Điều quan trọng là thông qua những dự án mới, sự hưởng ứng của cộng đồng và hiệu quả thúc đẩy sự tăng trưởng về du lịch, chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về tầm quan trọng của không gian công cộng trong đời sống đô thị, vai trò của nghệ thuật công cộng và cách thức khai thác tiềm năng. Sự thức tỉnh về nhận thức chung chắc chắn tạo tác động tích cực về mặt quản lý, quy hoạch, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật.
Chẳng hạn, đến một lúc nào đó sẽ cần có quy định về khoản kinh phí bắt buộc dành cho nghệ thuật công cộng và không gian vui chơi giải trí khi xây dựng khu đô thị mới. Cơ quan quản lý sẽ phải tính toán giải pháp can thiệp khi những dự án nghệ thuật công cộng được thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa nhưng không giúp thành phố đẹp hơn.
Những ý tưởng lớn và cách làm bài bản sẽ hình thành, bảo đảm rằng, trong tương lai sẽ không còn những “quảng trường” không có gì khác hơn là một nút giao thông rộng, không có tượng đài, đài phun nước, vườn hoa hay những tác phẩm điêu khắc thu hút mọi ánh nhìn.
Những không gian đi bộ không chỉ có cờ hoa, di sản văn hóa, công trình kiến trúc ấn tượng được thừa hưởng từ cha ông, mà còn cần có công trình/chương trình nghệ thuật công cộng xứng tầm nhằm tạo điểm nhấn và làm tăng tính tương tác tại điểm đến của công chúng và du khách…
Thách thức trong việc tạo dựng những không gian văn hóa mới không làm giảm vị thế của nghệ thuật và những không gian công cộng mới, được quy hoạch đến nơi đến chốn, luôn là cơ hội của nghệ thuật công cộng. Một số công trình nghệ thuật có thể trở thành niềm tự hào quốc gia, biểu tượng của một thành phố hay điểm đến ưa thích của du khách khắp thế giới. Đó là điều thấy được ở Singapore, Đan Mạch, Nhật Bản, Mỹ…, và sẽ có ở Hà Nội - Việt Nam nếu chúng ta dành cho nghệ thuật công cộng sự quan tâm, đầu tư xứng đáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.