(HNM) - UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; trong đó, sẽ tập trung phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố và các nhóm đặc sản địa phương… Thành phố hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời nâng cao đời sống cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Hiệu quả từ sản phẩm chủ lực
Từ những lợi thế về điều kiện tự nhiên, năng lực canh tác, nhiều địa phương của Thủ đô đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, qua đó từng bước hình thành một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Với điều kiện về đồng đất cũng như trình độ canh tác của nông dân, Thanh Oai đã tập trung phát triển các sản phẩm lúa gạo, cây ăn quả… Đến nay, huyện đã có 3.000ha lúa hàng hóa chất lượng cao và 300ha cây ăn quả. Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết, nhờ được sản xuất theo hướng an toàn, khép kín, sản phẩm “Gạo thơm Bối Khê” ngày càng có uy tín trên thị trường, đã đạt 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện tại giá bán trên thị trường là 30.000 đồng/kg gạo nếp cái hoa vàng và 18.000 đồng/kg gạo Bắc Thơm số 7, cao gấp 2-3 lần so với các giống lúa khác.
Trong khi đó, huyện Chương Mỹ lấy bưởi Diễn làm sản phẩm chủ lực và đã hình thành vùng chuyên canh tại 7 xã, thị trấn với khoảng 656ha (trong đó 20ha sản xuất theo phương pháp hữu cơ, bảo đảm quy trình VietGAP tại các xã Nam Phương Tiến, Hữu Văn và thị trấn Xuân Mai). Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (xã Nam Phương Tiến) Phùng Văn Hà cho biết, Nam Phương Tiến có diện tích bưởi Diễn lớn nhất huyện với gần 300ha, trong đó hơn 150ha đã cho thu hoạch. Xác định đây là cây trồng chủ lực, huyện đã hỗ trợ các địa phương về kỹ thuật, xây dựng thương hiệu… Bưởi Diễn của Chương Mỹ cho thu nhập 500- 700 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao như: Rau an toàn cho thu nhập từ 400 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm; cây ăn quả từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; hoa, cây cảnh từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm; chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đạt 1-2 tỷ đồng/ha/năm... Thu nhập từ lúa chất lượng cao tăng 25-30% so với sản xuất lúa truyền thống… Phát huy hiệu quả từ thực tế sản xuất, nhiều địa phương đang tập trung phát triển các nhóm hàng chủ lực tham gia Chương trình OCOP, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân khu vực nông thôn.
Đáp ứng thị trường Thủ đô và xuất khẩu
Việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Thủ đô theo các nhóm sản phẩm chủ lực để phát huy lợi thế riêng của từng địa phương, xây dựng vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế là hết sức cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho hay, hợp tác xã đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP để mở rộng tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản... Đồng thời đề xuất chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, người dân về vốn, khoa học kỹ thuật cũng như xây dựng thương hiệu để sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả trong đời sống kinh tế - xã hội.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng, dựa vào lợi thế của địa phương, thời gian tới huyện tập trung phát triển một số mặt hàng nông sản chủ lực như: Rau hữu cơ, rau công nghệ cao ở xã Thanh Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh...; cây dược liệu ở xã Bắc Sơn, Minh Trí, Xuân Giang. Huyện cũng sẽ hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, tham gia Chương trình OCOP để mở rộng tiêu thụ sản phẩm.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, thời gian tới, Ứng Hòa tiếp tục triển khai các cơ chế hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng sản xuất tập trung với những sản phẩm có lợi thế như: Gạo khu Cháy, vịt cỏ Vân Đình…, phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt từ 345 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cao trong giai đoạn 2022-2025, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương hình thành chuỗi giá trị nông sản bằng cách xây dựng các vùng sản xuất tập trung với các sản phẩm chủ lực như: Lúa hữu cơ, nhãn chín muộn, chuối... để hướng tới xuất khẩu. Mặt khác, Hà Nội sẽ tạo đột phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, xúc tiến thương mại; thúc đẩy liên kết với hợp tác xã trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Mục tiêu đến năm 2025 của các nhóm sản phẩm chủ lực là: Trên 80% diện tích lúa gạo sẽ trồng giống chất lượng cao, giống Japonica phục vụ tiêu dùng của thành phố và xuất khẩu; mở rộng 8.000-9.000ha rau an toàn, có khoảng 400-500ha rau sản xuất hữu cơ; hình thành 2.500-3.500ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao... Đối với chăn nuôi, giữ ổn định đàn lợn 1,8-2 triệu con; đàn gia cầm 36-38 triệu con... Về nhóm sản phẩm đặc sản địa phương, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.