Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên nghiệp hóa trong tiếp cận khách hàng

Quỳnh Dung| 30/10/2021 07:20

(HNM) - Vừa qua, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, nhưng nhờ thay đổi phương pháp tiếp cận khách hàng, thích ứng trong điều kiện mới, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tiêu thụ sản phẩm với số lượng ổn định.

Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) tham gia ngày hội bán hàng đặc sản OCOP Hà Nội trực tuyến, tháng 6-2021. Ảnh: Thư Hiền

Nhiều cách làm sáng tạo

Thực tế cho thấy, việc liên kết chuỗi không chỉ thay đổi phương thức sản xuất của nông dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đặc biệt, nhờ liên kết chuỗi, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã phát huy hiệu quả trong mọi tình huống.

Ông Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) chia sẻ, hiện nay, Organic Green đang liên kết với hơn 100 cơ sở sản xuất và có 90 cửa hàng phân phối sản phẩm. Trong bối cảnh lo ngại về việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng thực phẩm có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, do đó, sản lượng hàng bán ra của chuỗi cũng tăng gấp đôi so với trước đây.

Để hỗ trợ khách hàng, hằng tuần, hằng tháng, công ty có chương trình khuyến mại, giảm giá 15% tất cả mặt hàng với mục đích thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm sạch, an toàn.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hanofarm Tô Đức Minh cho biết, trước đây, gần 100% khách hàng đến 4 cửa hàng của đơn vị mua sản phẩm trực tiếp, song hiện nay, nhiều khách hàng vào kênh thương mại điện tử của công ty để mua hàng. Công ty đã có đội ngũ nhân viên giao hàng chuyên nghiệp đến tận nhà cho khách, bảo đảm chất lượng và phòng, chống dịch bệnh.

Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Ubofood Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch, việc chuyển đổi sang hình thức bán hàng trực tuyến (online) là giải pháp mới được doanh nghiệp nghĩ đến trong bối cảnh dịch Covid-19 và thực tế phát huy hiệu quả rất lớn. Nếu kinh doanh theo phương thức truyền thống, mỗi hệ thống bán lẻ chỉ tiếp cận được với một nhóm khách hàng, nhưng với kênh bán hàng online, các đơn vị phân phối có thể mở rộng khách hàng ra địa bàn toàn thành phố…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong chuỗi giá trị hàng hóa, khâu tiêu thụ hết sức quan trọng, nếu tiêu thụ khó khăn, chuỗi sản xuất cũng sẽ dễ bị đứt gãy. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ số để vận chuyển, phân phối nông sản lên sàn thương mại điện tử giúp sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn, bảo đảm chất lượng tươi ngon, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nông dân. Đây cũng là cách để doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài thành phố.

Chất lượng là yếu tố hàng đầu

Hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển dần sang mua hàng theo hình thức online, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần lấy chất lượng là yếu tố hàng đầu để giữ chân khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ. Theo ông Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ), để tiếp cận với nhiều khách hàng, ngoài thay đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang kênh online, doanh nghiệp không ngừng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trứng gà sạch theo chuỗi khép kín, có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho nông sản, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao và nhu cầu tiêu dùng trong mọi tình huống. Hiện nay, huyện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ; tập huấn bán hàng qua các kênh hiện đại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, đổi mới hình thức bán hàng là xu hướng mà các doanh nghiệp, hợp tác xã cần nghiên cứu và áp dụng. Cùng với tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, bảo đảm nông sản được tiêu thụ trong chuỗi đáp ứng tiêu chuẩn làm cơ sở định hướng sản xuất nông sản theo yêu cầu thị trường, ngành Nông nghiệp từng bước xây dựng kế hoạch, thí điểm triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp để nhân rộng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã hiện đại hóa công tác sản xuất, kinh doanh, chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản; xây dựng thương hiệu nông sản, từng bước mở rộng thị trường. Mặt khác, nông dân cũng cần thay đổi cách làm, thay vì chỉ quan tâm đến gia tăng sản lượng thì cần chú trọng đến cải thiện, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Để chiếm lĩnh thị trường và mở rộng các kênh bán hàng hiện đại thì yếu tố mang tính quyết định không phải là giá cả, mà phải là giá trị sản phẩm... Và để phát huy thế mạnh của sàn thương mại điện tử, người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm nông sản còn cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tạo được niềm tin với người tiêu dùng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên nghiệp hóa trong tiếp cận khách hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.