Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản

Ngọc Quỳnh| 08/12/2022 16:28

(HNMO) - Còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân sẽ tăng cao. Tuy thời điểm này chưa có đột biến, song để không xảy ra tình trạng sốt giá cục bộ, các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh để không đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán.

Giá thịt lợn hơi ổn định.

Thị trường vẫn trầm lắng

Ngày 8-12, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số trang trại chăn nuôi lợn cho thấy, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc ổn định so với hôm qua, dao động trong khoảng 51.000-53.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá cao nhất khu vực đang là 53.000 đồng/kg, được ghi nhận tại các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Nội; thấp nhất là các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, đang được thương lái thu mua trong khoảng 51.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 50.000-54.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua, được thương lái thu mua trong khoảng 51.000-55.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Hưng Thỉnh - chủ trang trại chăn nuôi ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), giá lợn hơi đang ở mức thấp so với mọi năm, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão nhưng nhu cầu mua thực phẩm của người dân vẫn trầm lắng, chưa sôi động. Hy vọng 2-3 tuần nữa, giá thịt lợn hơi tăng lên để người chăn nuôi có lãi.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2022, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Trong quý IV-2022, giá lợn hơi xuống rất thấp nhưng giá thức ăn chăn nuôi, vật tư chăm sóc vẫn ở mức rất cao khiến người chăn nuôi thua lỗ.

"Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, mức tăng có thể không như kỳ vọng bởi nguồn cung trong nước ở mức cao. Hiện, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nếu không gặp bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ được bảo đảm", ông Nguyễn Quốc Đạt cho biết thêm.

Các hộ nông dân tăng cường sản xuất rau theo nhu cầu thị trường.

Cũng về vấn đề này, ông Vũ Minh Việt - thành viên Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, năm 2022, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng và khá cấp tập trong giai đoạn ngắn. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường vẫn trầm lắng nên các địa phương thông tin và định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế yếu tố tác động đến giá cả, bảo đảm lợi ích của người dân nhằm mục tiêu kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết 2023.

Cân đối cung - cầu

Hiện nay, các tỉnh, thành phố, đô thị lớn trên địa bàn cả nước có nhu cầu cao về thực phẩm trong dịp Tết vẫn chưa cân đối và mới tự cung ứng được khoảng 20-40% nhu cầu tiêu dùng. Do đó, để cung ứng cho nhu cầu lớn, các địa phương cần vận chuyển, nhập hàng hóa từ các tỉnh vệ tinh xung quanh và có giải pháp cắt ngắn chuỗi thương mại thịt, giảm chi phí trong khâu vận chuyển giữa các địa phương, tăng cường liên kết thu mua trực tiếp lợn xuất chuồng của nông dân với giá hợp lý.

Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nêu quan điểm: Để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản phục vụ thị trường Tết, các địa phương cần mở các hội chợ giới thiệu sản phẩm; mở các cửa hàng bán trái cây có kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tuyến đường, các chợ truyền thống..., vừa tạo không khí Tết, vừa giúp tiêu thụ rau, củ, quả cho nông dân; kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại...

Các địa phương cần tăng cường mở các hội chợ để tiêu thụ nông sản thực phẩm dịp Tết.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, để cân đối cung - cầu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức các hội chợ giới thiệu nông sản trong dịp Tết để người dân có thể trực tiếp mua sản phẩm của hợp tác xã, doanh nghiệp với giá ổn định; có thể ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh.

Để không đứt gãy nguồn cung, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Hòa đề nghị các tỉnh, thành phố cung cấp số liệu về tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết của từng địa phương để các ngành chức năng cung cấp cụ thể đến các doanh nghiệp nhằm bảo đảm hàng hóa không bị ứ đọng trong các chuỗi lưu thông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần đưa ra thị trường sản phẩm bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.