Nông nghiệp

Tránh "đứt gãy" cung ứng nông sản dịp Tết

Ngọc Quỳnh 03/01/2024 - 07:01

Thông thường, những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá các loại nông sản, thực phẩm sẽ tăng cao. Thế nhưng, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá lợn hơi lại đang xuống thấp; các loại nông sản khác, như: Rau, củ, quả cũng giảm nhẹ.

Vậy, làm thế nào để khơi thông tiêu thụ nông sản, thực phẩm vào vụ thu hoạch, tránh tình trạng “đứt gãy” chuỗi cung ứng nông sản dịp Tết?

dong-rau.jpg
Đóng gói rau tại Hợp tác xã Rau sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Thị trường trầm lắng

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN& PTNT), tình hình sản xuất lúa và một số loại cây rau màu chủ lực năm 2023 được đánh giá là thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, năm 2023, sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn; sản lượng lương thực có hạt đạt 47,9 triệu tấn, tăng 790 nghìn tấn so với năm 2022. Toàn miền Bắc trồng được khoảng 470.000ha rau màu các loại, năng suất đạt 174,5 tạ/ha, sản lượng 8,2 triệu tấn. Đối với mặt hàng trái cây, trong quý III và quý IV-2023, cả nước có khoảng 7,6 triệu tấn trái cây các loại đưa ra tiêu thụ...

Tương tự, năm 2023 chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, trong đó tổng đàn lợn đạt hơn 30 triệu con, tăng khoảng 4,2%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 4.865,8 nghìn tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, năm 2023, tổng đàn gia cầm cả nước tăng khoảng 3,3%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm đạt khoảng 2.308,7 nghìn tấn, tăng 6%; sản lượng trứng gia cầm khoảng 19,2 tỷ quả, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022. Với tổng đàn và sản lượng như trên, nếu các địa phương kiểm soát được dịch bệnh thì không lo thiếu về nguồn cung thực phẩm gà, lợn cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Mặc dù sản lượng các mặt hàng nông nghiệp tăng, song thị trường tiêu thụ trong nước đến thời điểm này vẫn gặp khó khăn, nhất là mặt hàng thịt lợn. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho hay, trong cả năm 2023, giá lợn hơi giảm từ 1.000 đến 4.000 đồng/kg. Hiện tại, lợn hơi đang được thương lái thu mua 47.000-52.000 đồng/kg, tùy từng khu vực. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi vẫn tăng...

Còn về mặt hàng rau xanh, giá vào thời điểm đầu tháng 12-2023 tăng mạnh do ảnh hưởng của rét đậm, nhưng đến cuối tháng 12 giá lại giảm sâu. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (huyện Đông Anh) Nguyễn Tuấn Hồng thông tin, khoảng một tuần nay, giá su hào giảm từ 15.000 đồng/kg, xuống còn 10.000 đồng/kg; súp lơ xanh và trắng giảm từ 30.000 đồng/kg, còn 25.000 đồng/kg... Như vậy, giá các loại rau, củ quả giảm từ 2 đến 7% so với tháng 11...

Kết nối tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc tìm đầu ra cho nông sản, ngành Nông nghiệp đã triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ và phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, bền vững.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân) Đinh Thị Hải Yến, công ty thường xuyên tham gia các chương trình hội nghị xúc tiến, kết nối nông sản do Sở NN&PTNT, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Đây là cơ hội để công ty tìm hiểu về thị trường, tìm kiếm đối tác cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là khâu tiêu thụ, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tiêu thụ nông sản dịp cuối năm; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Cùng với đó, cập nhật xu hướng phát triển, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc hỗ trợ sản xuất, hội chợ, xúc tiến thương mại; sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và chuỗi giá trị để kiểm soát chất lượng trên thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng tiêu thụ mới. Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước và thế giới.

“Các địa phương cần theo dõi nắm bắt tình hình sản lượng các loại rau, củ, quả để khuyến cáo nông dân trồng rải vụ cho phù hợp với thị trường tiêu thụ, qua đó có được giá bán tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có kế hoạch tái đàn phù hợp. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi để không ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ trong nước”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tránh "đứt gãy" cung ứng nông sản dịp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.