Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện không chỉ ở một bộ

Hoàng Thu Vân| 19/09/2012 06:02

(HNM) - Ngày 17-9, Bộ NN&PTNT tổ chức họp bàn về việc kiểm soát an toàn thực phẩm.

Theo công bố của cơ quan chức năng, có một số vấn đề nổi lên đáng chú ý như 40% số mẫu giá đỗ tại các chợ ở Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện có chứa E.Coli, Salmonella hoặc Listeria (những loại vi sinh vật gây bệnh); phát hiện các mẫu nho, mận và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng difenoconazole, tubeconazole, chlorpyrifos ethyl và carbendazim vượt mức cho phép theo quy định của Việt Nam từ 1,5 đến 5 lần (đây là các chất gây mất an toàn cho sức khỏe con người, ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh và chức năng của các cơ quan trong cơ thể); số cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm loại C chiếm 85,1%; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm loại C chiếm 57,6%...

Tuy nhiên tại cuộc họp này còn có một số vấn đề khác cần suy nghĩ. Trước hết là sự bức xúc của Bộ trưởng NN&PTNT về chuyện lạm thu trong việc "1 quả trứng phải gánh 5 lần phí" đã có những chỉ đạo cụ thể từ tháng trước nhưng tới nay vẫn chưa có chuyển biến gì. Điều đó cho thấy sự chậm trễ trong việc điều chỉnh những bất cập tồn tại hiện nay mà chuyện quả trứng chịu gánh nhiều loại phí chỉ là một ví dụ. Tồn tại tình trạng này, trong vấn đề cụ thể nêu trên, nông dân là người gánh chịu hậu quả, tuy nhiên ở nhiều lĩnh vực, những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách không được khắc phục kịp thời đã để lại những thiệt hại to lớn. Có thể lấy ví dụ cụ thể như việc một số DN lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất để kiếm lời trái phép trong thời gian vừa qua. Mặt khác, câu chuyện tại Bộ NN&PTNT còn cho thấy công tác điều hành, quản lý của chúng ta chưa phải đã trơn tru khi vẫn tồn tại thực trạng "trên" bảo, "dưới"… không chấp hành. Trong từng bộ, ngành còn như vậy thì sự phối hợp chung khó có thể đồng bộ, nhịp nhàng, ấy là chưa nói đến việc vẫn có những "barie" vô hình hoặc "những vùng cấm" vì lợi ích riêng…

Một vấn đề khác cũng bộc lộ trong cuộc họp nêu trên, đó là việc Bộ trưởng NN&PTNT không hài lòng với sự chuyển biến chậm của chất lượng thanh tra. Theo Bộ trưởng: Đi kiểm tra mà trống giong cờ mở thì vô hiệu, kiểm tra về mà chỉ báo cáo là còn một số việc chưa tốt, nói thế là chưa đủ… Đây cũng là tình trạng chung, là "lỗi hệ thống" không chỉ tồn tại riêng trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm của Bộ NN&PTNT. Nếu để ý theo dõi thông tin trên báo chí thì thấy việc tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các ngành, các lĩnh vực diễn ra khá nhiều. Thậm chí người ta còn công bố trước công luận, từ thời điểm này đến thời điểm kia sẽ thanh tra vấn đề A, dự án B, lĩnh vực C… đối với bộ Y, ngành Z hoặc tập đoàn X. Không hiểu có phải do các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra biết sớm để đề phòng mà kết quả công tác thanh tra, kiểm tra rất hạn chế. Có nhiều vụ việc tiêu cực, làm trái nguyên tắc không được phát hiện. Một số vụ việc khi được làm rõ thì "bệnh" đã quá nặng, thiệt hại cho Nhà nước lên tới hàng nghìn tỷ đồng…

Tóm lại, dù các vấn đề nêu trên không phải chủ đề chính trong buổi họp của Bộ NN&PTNT song rất đáng phải lưu tâm. Thực chất, đây không phải là những vấn đề mới hoặc chỉ tồn tại trong Bộ NN&PTNT. Chuyện là ở chỗ khi chúng ta thẳng thắn đối diện trực tiếp với những yếu kém, bất hợp lý thì mới có biện pháp để khắc phục, ngăn chặn hoặc phòng ngừa. Nếu cứ coi mọi việc đều tốt rồi thì chả còn gì phải bàn, phải suy nghĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện không chỉ ở một bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.