An toàn thực phẩm

Quản lý an toàn thực phẩm: Chú trọng công tác hậu kiểm, kiểm tra đột xuất

Quỳnh Dung 30/11/2024 - 07:39

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân sẽ tăng cao. Để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, các ngành chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. Trong đó tập trung vào công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

doan-kiem-tra-lien-nganh-cu.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn ở Trường Mầm non Sao Khuê (huyện Thường Tín). Ảnh: Thu Hoài

Vẫn phát hiện nhiều cơ sở vi phạm

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có 2.170 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó, ngành Công Thương quản lý 1.133 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 732 cơ sở, ngành Y tế quản lý 305 cơ sở. UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương duy trì công tác giám sát ngộ độc thực phẩm tại cộng đồng, cơ sở giáo dục, điểm du lịch, hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện; xây dựng phương án bảo đảm an toàn thực phẩm; chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiểu thương ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, các đoàn kiểm tra của huyện đã tiến hành kiểm tra, giám sát theo kế hoạch 282/282 cơ sở quản lý (đạt tỷ lệ 100%). Qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 18 cơ sở với số tiền 146 triệu đồng. Các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra 950 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, phát hiện 16 cơ sở vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 28 triệu đồng.

Tại huyện Thường Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường tuyên truyền công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật; thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 với 29 xã, thị trấn. Huyện đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 10 cơ sở; lũy kế số cơ sở có giấy chứng nhận còn hiệu lực là 39/39 cơ sở, đạt 100%. Đối với lĩnh vực y tế, số cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận là 40 cơ sở; số giấy chứng nhận còn hiệu lực là 103/103, đạt 100%. Trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, đã kiểm tra tổng số 2.024/2.247 cơ sở. Số cơ sở đạt là 2.006, số cơ sở vi phạm là 18 cơ sở, số tiền phạt gần 110 triệu đồng.

Hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn khó khăn do hàng hóa phong phú về chủng loại, mẫu mã; nhiều thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ; xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Theo Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất Vương Thị Ngọc Diên, nhân lực thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm còn mỏng tại cấp huyện và cấp xã; đa số công chức kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Điều này khiến công tác tham mưu, triển khai thực hiện hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là hoạt động kiểm tra còn hạn chế. Một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại thực phẩm cũng gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh tự công bố sản phẩm; đồng thời là rào cản đối với cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động giám sát, kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm.

Đẩy mạnh giám sát, truy xuất nguồn gốc

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, huyện Phúc Thọ luôn xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm quan trọng đối với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Việc quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm góp phần giữ gìn an toàn xã hội, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo các ngành chức năng khắc phục hạn chế, tồn tại, đồng thời triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn. Cùng với đó, huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, nhất là tăng cường đoàn kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc bếp ăn tập thể, khu vực kinh doanh, chế biến thực phẩm…

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động qua các lớp tập huấn, phát thanh loa, đài, băng rôn, khẩu hiệu, tờ gấp, tờ rơi... đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là tại cơ sở chuyên cung cấp rau, củ, quả cho các suất ăn, bếp ăn tập thể với số lượng lớn, tránh sự cố về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể…

Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, Chi cục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tập trung vào công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nội dung tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm... Qua đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm; trang bị kiến thức cho người dân tự bảo vệ bản thân và gia đình…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý an toàn thực phẩm: Chú trọng công tác hậu kiểm, kiểm tra đột xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.