(HNM) - Chuyển đổi số được coi là xu hướng tất yếu đối với doanh nghiệp khi mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế xã hội như hiện nay. Song, tại Diễn đàn công nghệ FPT 2019 diễn ra cuối tuần qua, các chuyên gia cho biết có tới 70% doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy cần thiết phải chuyển đổi số nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu và mô hình thế nào thì phù hợp. Do đó, biến yếu thành mạnh đang là đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ dần bị loại khỏi cuộc chơi và có thể “biến mất” trên thị trường.
Dẫn chứng cho quan điểm này, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT kể về trường hợp một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, thương mại có 15 năm hoạt động. 10 năm đầu đạt tốc độ tăng trưởng rất cao 50%/năm, nhanh chóng đứng vị trí số 1 thị trường; nhưng 5 năm gần đây, chỉ đạt 15%/năm, lợi nhuận giảm mạnh và bị đối thủ “qua mặt”.
Cũng theo ông Hoàng Việt Anh, trong số 70% doanh nghiệp không biết phải chuyển đổi số từ đâu thì hầu hết đang gặp phải những vấn đề như: Hệ thống quản lý khách hàng phân tán, khâu tiếp nhận thông tin phản hồi của khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của công ty hỗn loạn; hệ thống vận hành thủ công, vẫn áp dụng mô hình từ 15 năm trước; không đánh giá được năng suất lao động của từng cá nhân.
Kể về quá trình triển khai chuyển đổi số, ông Đinh Toàn Thắng, Phó Trưởng ban Nghiên cứu phát triển của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, khi chưa chuyển đổi, Tổng công ty gặp không ít thách thức từ nội tại, đó là cơ cấu lao động “già”, mạng lưới trải dài trên toàn quốc; các lĩnh vực thế mạnh như bưu chính truyền thống, bán lẻ, tài chính bưu chính chịu sự cạnh tranh gay gắt... Sau quá trình chuyển đổi số, mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020 đề ra cho cả giai đoạn 2016-2020 đã “về đích” trước 2 năm, lợi nhuận đạt 300-400 triệu USD.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc phụ trách công nghệ thông tin Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết, doanh nghiệp này phải chuyển đổi số 3 lần, kể từ năm 2013. Nói rõ hơn về quá trình đó, ông Nguyễn Anh Nguyên cho biết mỗi một giai đoạn chuyển đổi số, công ty đề ra các mục tiêu cụ thể.
Trong chặng đầu, Masan ứng dụng hệ thống báo cáo thông minh để cá nhân hóa dữ liệu và quá trình này giúp cắt giảm không ít chi phí; bảo đảm mục tiêu sản phẩm phải có mặt tại tất cả cửa hàng thực phẩm. Chặng tiếp theo đặt mục tiêu bảo đảm chất lượng của hàng tỷ sản phẩm bán ra thị trường phải tương đương nhau - đưa ứng dụng IoT vào quản trị. Chặng thứ ba đang được triển khai bằng việc bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp lớn...
Chia sẻ về kết quả từ thực hiện chuyển đổi số, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho biết, hiện ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào gần như toàn bộ các hoạt động. Nhờ vậy ngân hàng đã bảo đảm lợi nhuận và duy trì được vị trí của mình.
Khái quát và đưa ra khuyến nghị tới các doanh nghiệp áp dụng mô hình chuyển đổi số, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, từ kinh nghiệm kinh doanh với hàng trăm đối tác trên toàn cầu, FPT đúc kết chuyển đổi số là tổ hợp gắn kết không tách rời giữa việc chuyển đổi mô hình kinh doanh với chuyển đổi hạ tầng công nghệ và chuyển đổi nguồn lực nhân sự của doanh nghiệp.
Trong đó, muốn chuyển đổi số thì doanh nghiệp phải “nghĩ lớn” với các tiêu chí như dẫn đầu thị trường, xây dựng lộ trình; tiếp đến là “bắt đầu thông minh” bằng cách tăng nguồn lực, tập trung vào các vấn đề thiết yếu nhất, dễ triển khai; cuối cùng là mở rộng quy mô phát triển.
Song song với quá trình này, các kế hoạch tổng thể phải hoàn thiện và sẵn sàng cho triển khai. Vì chuyển đổi số không nhằm mục đích gì khác ngoài việc giúp các doanh nghiệp thay đổi, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.