Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi số trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền lợi của nghệ sĩ: Góp phần lành mạnh hóa hoạt động biểu diễn

Hoàng Bình Phương| 03/07/2022 07:11

(HNMCT) - Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền lợi biểu diễn trong lĩnh vực âm nhạc luôn là chủ đề được quan tâm bởi trong thực tế từng diễn ra vô số hành vi vi phạm ở nhiều mức độ khác nhau. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trong công tác bảo vệ bản quyền, quyền lợi của nghệ sĩ được xem là chìa khóa để tháo gỡ mối băn khoăn của người làm nghệ thuật.

Nền tảng VAB giúp cho nghệ sĩ, đơn vị tổ chức, khán giả dễ dàng tìm kiếm thông tin nghệ sĩ, đồng thời giúp việc trao đổi về hoạt động biểu diễn dễ dàng hơn.

Muôn kiểu bức xúc

Đầu tháng 6-2022, nghệ sĩ Trinh Hương, con gái cố nhạc sĩ Phú Quang bày tỏ nỗi bức xúc khi cho rằng, nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang liên tục bị vi phạm bản quyền. "Có nhà tổ chức chuyên nghiệp lấy hàng loạt tác phẩm của bố tôi đưa vào liveshow dù gia đình không đồng ý. Có phòng trà tổ chức đêm nhạc Phú Quang hay ca sĩ hát tác phẩm của bố tôi mà không nói gì với gia đình. Chúng tôi muốn được tôn trọng chứ không phải nhắc đến để đòi tiền" - con gái nhạc sĩ Phú Quang cho biết.

Không chỉ là sử dụng tác phẩm khi chưa xin phép, việc nghệ sĩ bị đơn vị biểu diễn “quỵt” tiền cát xê cũng xảy ra như cơm bữa, kể cả với những nghệ sĩ tên tuổi. Như giữa tháng 6 vừa qua, trên trang cá nhân của mình, anh A. (quản lý hiện tại của Erik, Phương Mỹ Chi, DTAP...) đã chia sẻ dòng trạng thái bức xúc, tố cáo chương trình “The Show Vietnam” quỵt tiền nghệ sĩ, đồng thời không hoàn tiền vé cho khán giả khi gặp sự cố. Vụ việc khiến rất nhiều nghệ sĩ, khán giả lên tiếng, phản ánh trên mạng xã hội nhưng câu trả lời chỉ là sự im lặng của đơn vị tổ chức.

Trên trang cá nhân của nhạc sĩ Dương Cầm từng xuất hiện bài viết chỉ rõ phòng trà Đồng Dao, địa điểm tổ chức mà nhạc sĩ này và nhiều đồng nghiệp, nghệ sĩ tên tuổi như Hồng Nhung, Uyên Linh, Khánh Ly… bị “quỵt” tiền biểu diễn vào năm 2015. Ca sĩ Tuấn Hưng cũng từng bức xúc tố cáo một “bầu sô” không trả tiền cho mình trong lần biểu diễn ở Vũng Tàu vào năm 2019. Võ Hạ Trâm gay gắt phản ứng vì bị “bùng” tiền cát xê trong một đêm diễn ở Quy Nhơn. Ngay cả những nghệ sĩ trong giới âm nhạc Underground như Cường Seven, Kimmese, Andree… cũng từng "giận ơi là giận" vì đơn vị tổ chức ở Tuy Hòa không trả đủ tiền như đã giao kèo trước đó...

Những vụ việc nói trên dù xảy ra đã lâu hoặc mới diễn ra nhưng theo nhiều nghệ sĩ, cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của không ít đơn vị tổ chức, “bầu sô” đã trở thành bài học nhớ đời cho giới nghệ sĩ. Thậm chí, không ít người tuyên bố “chắc nịch”: "Trả tiền trước thì mới hát!".

Quản lý bằng nền tảng số

Vừa qua, ca sĩ Tăng Ngân Hà cùng “ông xã” - nhạc sĩ Lưu Quang Minh, đã chính thức ra mắt nền tảng VAB nhằm giúp các nghệ sĩ, nhà sáng tạo dễ dàng kết nối, chia sẻ thông tin, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và rút ngắn khoảng cách với công chúng. Đây được xem là mô hình quản lý hiệu quả, giúp các nghệ sĩ bảo vệ quyền lợi chính đáng.

VAB là một dạng web-app được thiết kế gần giống với một trang thông tin, trên đó có nhiều mục khác nhau. Mỗi mục có chức năng riêng, như profile nghệ sĩ có thông tin tóm tắt về tiểu sử, giải thưởng, các sản phẩm âm nhạc dạng audio hoặc video, "giá tham khảo" mỗi show diễn của nghệ sĩ đó… Nói đơn giản, VAB giống như một sàn giao dịch điện tử dành cho giới showbiz Việt. Ở đây, khách hàng (các doanh nghiệp muốn tổ chức sự kiện, các công ty tổ chức sự kiện, các nghệ sĩ và thậm chí khán giả) có thể tương tác trực tiếp với nghệ sĩ để mời biểu diễn, thỏa thuận chi phí tác quyền. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị biểu diễn tìm được nghệ sĩ phù hợp với chương trình, còn nghệ sĩ sẽ được chi trả thù lao biểu diễn xứng đáng và rõ ràng.

Chia sẻ thông tin về "sàn giao dịch điện tử" VAB, ca sĩ Tăng Ngân Hà cho biết, từ trước tới nay chưa thực sự có cơ sở rõ ràng để "định giá" lao động của nghệ sĩ. Với nền tảng VAB, các nghệ sĩ và đơn vị tổ chức sẽ dễ dàng tìm thấy nhau và đưa ra thỏa thuận hợp lý trước khi cộng tác. Nếu ca sĩ muốn "mua nhạc" của một nhạc sĩ nào đó hay xin phép được sử dụng ca khúc của nhạc sĩ thì họ có thể trao đổi một cách nhanh chóng, thuận lợi, tránh việc vi phạm tác quyền. Chi phí tác quyền cũng được tham khảo từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để có mức giá sàn chung cho thị trường sử dụng. Đến nay, hàng trăm nghệ sĩ đã tham gia nền tảng này như Hồng Nhung, Lệ Quyên, Mỹ Tâm, Min, Orange...

VAB là mô hình do nghệ sĩ tự xây dựng để dễ dàng quản lý hoạt động biểu diễn trên nền tảng số. Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, mô hình quản lý trên nền tảng số sẽ giúp hoạt động biểu diễn lành mạnh hơn. Tuy nhiên, để hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, tiệm cận với thế giới thì còn cần đến ý thức và sự hiểu luật của nghệ sĩ, đơn vị quản lý, cũng như những biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn từ cơ quan quản lý nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền lợi của nghệ sĩ: Góp phần lành mạnh hóa hoạt động biểu diễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.