(HNMO) - "Bước tiếp theo của công nghệ thông tin là chuyển đổi số. Đây là sự chuyển dịch mang tính cách mạng, sẽ làm thay đổi diện mạo của đất nước. Sứ mạng ấy được trao cho những người làm công nghệ thông tin, những người làm công nghệ số nói chung...".
Thông điệp này được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin - truyền thông năm 2019 do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Hội Tin học Việt Nam, Bộ TT-TT tổ chức tại tỉnh Phú Yên. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT-TT xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia để ban hành trong năm nay.
Doanh nghiệp là hạt nhân của chuyển đổi số
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số đang thâm nhập thế giới với tốc độ rất cao, nhất là khi một số công nghệ đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản kinh tế, văn hóa và xã hội.
Digital Transformation, hay Chuyển đổi số, là quá trình chuyển đổi cơ bản các hoạt động kinh tế và xã hội sang môi trường số, là khi phải thay đổi các mối quan hệ trong môi trường số.
Chuyển đổi số bao gồm bước một là số hóa; bước hai là hình thành các mối quan hệ mới trong nền kinh tế số, xã hội số - các mối quan hệ mới trong thế giới ảo - và đây mới là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Nhưng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số.
Hạt nhân của quá trình chuyển đổi số là các doanh nghiệp công nghệ số. Việt Nam phải phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), thực hiện đào tạo 1.000 cán bộ chuyên gia về chuyển đổi số, phân tán ở tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đây là lực lượng nòng cốt để dẫn dắt và lan tỏa.
Cách để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số là phát triển các nền tảng, mỗi nền tảng phục vụ cho hàng trăm ngàn người, hàng ngàn tổ chức chuyển đổi số. Các yếu tố nền tảng của chuyển đổi số là: Thể chế, hạ tầng, an ninh an toàn mạng, doanh nghiệp ICT và đào tạo.
Miền Trung có lợi thế về nguồn nhân lực
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thực hiện chuyển đổi số, các tỉnh miền Trung có nhiều lợi thế lớn, đặc biệt là về nhân lực.
"Chính nắng lửa, gió cát và khó khăn đã ban tặng cho miền Trung một tài nguyên vô giá, đó là con người kiên cường. Người miền Trung cần cù, ham học, học giỏi, có ý chí vươn lên" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.
Thứ nhất, về nhân lực. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ và yếu tố quyết định không phải là máy móc, mà là trí tuệ con người. Các tỉnh miền Trung có nhân lực phù hợp để xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ 4.0. Bởi vậy, tập trung cho đào tạo, khơi dậy tinh thần ham học, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tới đây đầu tư nghiên cứu phát triển có thể sẽ là con đường đi căn cơ cho miền Trung.
Thứ hai, hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin (VT-CNTT) - nền tảng của kinh tế số và xã hội số - cần được đầu tư đi trước. Các tỉnh miền Trung lại càng phải dựa vào hạ tầng số, công nghệ số để giải quyết các vấn đề của mình và để phát triển. Đầu tư hạ tầng số chỉ khoảng 1/10-1/20 so với hạ tầng giao thông. Bộ TT-TT sẽ chỉ đạo xây dựng miền Trung thành một Hub (trạm trung chuyển) về ICT, kết nối quốc tế.
Thứ ba, các tỉnh miền Trung hoàn toàn có thể đi đầu, đi trước, đi nhanh hơn về chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; đô thị thông minh tiến tới xã hội số; chuyển đổi số tiến tới kinh tế số, xã hội số, và chỉ có như vậy, các tỉnh miền Trung mới bứt phá được. Càng khó khăn thì càng phải đi đầu, ứng dụng công nghệ mới, và càng có cơ hội để công nghệ mới, mô hình mới mang lại giá trị lớn. Thí dụ, tỉnh đi đầu về đô thị thông minh và đạt kết quả tốt nhất đến thời điểm hiện tại là một tỉnh miền Trung, đó là Thừa Thiên - Huế.
Thứ tư, cuộc Cách mạng 4.0 còn là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế. Rất nhiều mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới xuất hiện. Các tỉnh miền Trung không có nhiều thứ để mất, và vì vậy, có thể chấp nhận cái mới nhanh hơn. Chấp nhận cái mới thì công nghệ mới, nhân tài công nghệ, doanh nghiệp công nghệ sẽ về miền Trung.
Thứ năm, chuyển đổi số sẽ cần rất nhiều doanh nghiệp công nghệ địa phương, qui mô không cần lớn, để tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai công nghệ, đưa công nghệ ứng dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội từ trung tâm thành phố tới các bản làng. Bởi vậy, các tỉnh miền Trung cần có kế hoạch phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Cứ 1.000 người dân thì phải có 1 doanh nghiệp công nghệ địa phương.
Thứ sáu, báo chí, truyền thông của tỉnh phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, không để dòng phụ thành dòng chính, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo khát vọng vươn lên của tỉnh. Có được cái này chính là có được sức mạnh tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết, có được sự ổn định chính trị để phát triển.
Hội thảo Hợp tác Phát triển CNTT-truyền thông lần thứ 23, năm 2019, có chủ đề "Chuyển đổi số: Kết nối, chia sẻ dữ liệu hoàn thiện Chính quyền điện tử". Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, tạo cơ hội hợp tác phát triển CNTT-truyền thông giữa các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước theo xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.