(HNM) - Thành phố Hà Nội có nhiều sáng tạo, kinh nghiệm trong công tác thanh tra, xứng đáng là mô hình để các địa phương khác tham khảo.
Đó là ghi nhận của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại cuộc làm việc của Đoàn công tác Thanh tra Chính phủ với UBND TP Hà Nội về tình hình triển khai, thực hiện kế hoạch công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2014, diễn ra ngày 3-4. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo và Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cùng làm việc.
Giải quyết tốt công tác khiếu nại, tố cáo góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Ảnh: Viết Thành |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, tỷ lệ KNTC sai đã giảm đáng kể (năm 2013 chỉ có 17% vụ KNTC sai, trong khi những năm trước đây là 30-40%). Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả tích cực nêu trên là UBND thành phố luôn xác định vừa phải tập trung giải quyết các vụ KNTC, vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật tới các tầng lớp nhân dân. Những năm gần đây, Hà Nội duy trì hoạt động của Ban Tiếp công dân vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần. Qua đó, kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề phát sinh.
|
Trong công tác PCTN, Thành ủy đã chỉ đạo triển khai kiểm tra công tác PCTN và kết quả thực hiện Chương trình 09-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh đấu tranh PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2011-2015" tại một số đơn vị, kết quả cho thấy, các đơn vị đều triển khai thực hiện chương trình một cách nghiêm túc, bài bản. UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản thu nhập, đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng đến cải cách thủ tục hành chính và tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN của Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nổi lên là một số kiến nghị sau thanh tra chưa được thực hiện triệt để; tỷ lệ thu hồi sau thanh tra chưa cao. Ở cấp huyện, kết quả thanh tra còn hạn chế, tỷ lệ phát hiện sai phạm và thu hồi qua thanh tra thấp. Việc phân loại, xử lý đơn thư của một số đơn vị chưa chính xác; một số vụ KNTC giải quyết còn quá hạn, để tồn đọng gây bức xúc trong nhân dân. Tình hình tham nhũng vẫn còn tiềm ẩn, phức tạp…
Tại buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN của TP Hà Nội trong quý I đã có nhiều nội dung đạt tốt. Thành phố chỉ đạo quyết liệt trên các mặt công tác, có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, Hà Nội có nhiều chương trình đột phá, sáng tạo và xứng tầm Thủ đô, thể hiện qua việc xây dựng chủ đề từng năm rất thiết thực, việc giải quyết KNTC có sáng tạo, xứng đáng là mô hình cho cả nước học tập. Thời gian tới, công tác thanh tra của TP Hà Nội cần có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng, tập trung vào thanh tra chuyên ngành. Khi có kết luận rồi phải công khai kết luận thanh tra. Tổng Thanh tra Chính phủ lưu ý, số vụ KNTC giảm, tuy nhiên, tính chất gay gắt, phức tạp, thậm chí đối đầu vẫn còn, biểu hiện là những hành vi xâm phạm người thi hành công vụ vẫn xảy ra. Do đó, Hà Nội cần xem xét tình hình, tìm hiểu nguyên nhân, đề ra hướng khắc phục. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền pháp luật cho người dân; đồng thời, thực hiện đúng việc giải quyết KNTC theo thẩm quyền. Về thực hiện Kế hoạch số 1130/KH-TTCP kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị TP Hà Nội cần kiểm tra lại số liệu, rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm. Thanh tra Chính phủ sẵn sàng phối hợp cùng Hà Nội kiểm tra một số vụ việc tồn đọng. Bên cạnh đó, Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích mọi người phát hiện và tố cáo tham nhũng.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã tiếp thu những ý kiến chỉ đạo, đánh giá của Tổng Thanh tra Chính phủ, các thành viên đoàn công tác và khẳng định: Thời gian qua, Hà Nội đã rất tích cực trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, xử lý quyết liệt đối với các vụ việc tham nhũng gây hậu quả. Thừa nhận những mặt hạn chế còn tồn tại trong công tác thanh tra như nhận thức của một số cán bộ trong công tác này còn hạn chế; phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết KNTC, xử lý tham nhũng còn chưa tốt; chưa làm rõ cơ chế thanh tra, kiểm tra nên còn hiện tượng kết luận của các cơ quan khác nhau dẫn đến bức xúc… Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo, giải quyết, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước, giảm bức xúc của người dân. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng đề xuất một số vấn đề như: Cần sớm ban hành nghị định quy định, hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân, nghị định về việc tổ chức, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; sớm nghiên cứu mô hình, xây dựng quy chế cho Ban Tiếp công dân để nâng cao hiệu quả hoạt động…
Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng: Quý I, các cấp, ngành thành phố đã thực hiện 99 cuộc thanh tra, đã kết luận 39 cuộc. Qua thanh tra phát hiện sai phạm 152,8 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 141,8 tỷ đồng; kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm 5 tập thể, 8 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 2,8 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 2 vụ. Từ đầu năm đến nay, tình hình đơn thư KNTC có chiều hướng giảm. Các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 8.933 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 3.481 đơn các loại; thụ lý theo thẩm quyền 596 vụ KNTC, đã giải quyết 422 vụ, đạt tỷ lệ 71%. Các vụ còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật. Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị điều chỉnh 23 phương án bồi thường giải phóng mặt bằng; bổ sung 2 phương án tái định cư; hủy, thu hồi 14 GCN quyền sử dụng đất; thu hồi 4.247m2 đất; hoàn trả 29.252m2 đất của các hộ dân; kiểm điểm trách nhiệm 10 tập thể, cá nhân vi phạm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.