(HNM) - Chính sách về trang trại (TT) theo tiêu chí mới (Thông tư số 27/2011/TT-BNN&PTNT Quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế TT) nhằm tạo sự chuyển biến, bứt phá trong nông nghiệp. Tuy nhiên, do hạn chế từ nhận thức của người sản xuất và bất cập từ chính các thủ tục... dẫn đến số lượng TT đủ tiêu chuẩn không nhiều.
Trang trại đạt chuẩn - "Đếm trên đầu ngón tay"
Hiện cả nước có 25.000 TT sản xuất thực phẩm, trong đó 11.000 TT chăn nuôi, 9.000 TT trồng trọt và hơn 5.000 TT nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, số TT đạt đủ tiêu chuẩn sản xuất GAP chiếm chưa đến 10%. Thực tế, tình trạng TT sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép... đã làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Trong khi đó, sản phẩm an toàn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt về giá với sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường. Dù các địa phương đã tích cực hướng dẫn chủ TT làm thủ tục, hồ sơ để cấp GCN sản xuất an toàn, nhưng người dân không mặn mà.
Sản xuất theo mô hình trang trại an toàn cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường, toàn thành phố có 3.353 TT, nhưng số TT được cấp GCN sản xuất an toàn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Lý giải về thực trạng trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, huyện Thanh Trì có 36 TT nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi, nhưng chỉ có 4 TT được cấp GCN đủ điều kiện GAP. Nguyên nhân là người dân ngại khi làm các thủ tục hành chính vì quá nhiêu khê, phức tạp. Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân làm thủ tục để được cấp GCN TT sản xuất an toàn, nhưng nhiều trường hợp không đủ giấy tờ liên quan theo quy định của Nhà nước.
Theo hướng dẫn của Bộ NN& PTNT về "Tiêu chí và thủ tục cấp GCN kinh tế TT": Diện tích tối thiểu phải từ 2,1ha trở lên; giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm; đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên; cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên. Quy định là vậy, nhưng hầu hết TT không đáp ứng đủ tiêu chí vì đa phần sản xuất nhỏ với diện tích bình quân từ 0,5 đến 1ha. Trở ngại thứ hai là hầu hết nông dân sản xuất kiểu truyền thống, ngại làm các thủ tục như: Xác nhận nguồn gốc con giống, thức ăn, xử lý chất thải, đặc biệt là việc ghi chép sổ sách nhật ký hằng ngày... Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Cử, chủ TT chăn nuôi ở thị xã Sơn Tây phản ánh, trước đây TT đã được cấp GCN đủ điều kiện GAP, hiện đã hết hạn nhưng TT không làm thủ tục cấp lại vì ngại phải làm hồ sơ với hàng chục thứ thủ tục xác nhận…
Mặt khác, theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây (Agribank Hà Tây) Đỗ Đức Dục, tiến độ cấp GCN TT và cấp GCN doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT ở một số địa phương chậm, nên không đủ điều kiện cho vay vốn sản xuất gây khó khăn cho các TT muốn mở rộng quy mô.
Phải thay đổi tư duy sản xuất
“Hiện không thể khẳng định các TT chưa được cấp GCN GAP sản xuất ra sản phẩm không bảo đảm chất lượng, mà phải kiểm tra lấy mẫu mới xác định được họ có dùng chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép hay không. Vì vậy, các ngành chức năng cần thường xuyên lấy mẫu giám sát sản phẩm tại TT, hướng dẫn người dân làm các thủ tục để được cấp GCN TT đủ điều kiện an toàn theo quy định” - bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì nói. Và để đẩy nhanh tiến độ cấp GCN đủ điều kiện GAP tại các TT, cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, chủ TT.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, trên địa bàn huyện có 300 TT nhưng đều có quy mô nhỏ nên không đủ điều kiện để được cấp GCN TT an toàn. Ông Đinh Mạnh Hùng đề nghị các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ cấp "sổ đỏ" sau dồn điền đổi thửa, tạo thuận lợi cho các hộ dân tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô TT để đáp ứng các tiêu chí theo quy định.
Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, người dân phải thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, chuyển sang làm quen với việc sản xuất sản phẩm an toàn. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho người dân hiểu là TT sản xuất theo tiêu chuẩn GAP mang lại nhiều lợi ích. Đây là điều kiện bắt buộc để có được nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng trong xu thế hội nhập nền kinh tế thị trường. Người dân và doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau để tích tụ ruộng đất, hình thành các TT lớn và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến để không xảy ra tình trạng “đánh đồng” về chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.