(HNMO) – Liên quan đến việc xây dựng đường vành đai 5, Bộ GTVT cho biết sẽ sớm làm việc với các địa phương có tuyến đường đi qua theo quy hoạch đã được phê duyệt để triển khai chuẩn bị các dự án đầu tư các đoạn tuyến.
Những thông tin trên có trong Thông báo số 129/TB-BGTVT-UBNDTPHN, giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội truyền đạt kết luận Hội nghị “Triển khai công tác quản lý nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội” mới diễn ra.
Theo đó, để hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển TP Hà Nội văn minh, hiện đại, trong thời gian tới, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tập trung thực hiện hiệu quả. Cụ thể, tiếp tục phối hợp triển khai rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch phát triển GTVT của TP Hà Nội; xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện về nguồn lực.
Hai bên phối hợp xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù để thúc đẩy huy động nguồn vốn đầu tư theo nhiều hình thức và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án quan trọng, tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của TP. Phối hợp sớm hoàn thiện và triển khai Đề án quản lý hệ thống giao thông của TP Hà Nội.
Trong đó, phân loại các nội dung công việc cụ thể, xây dựng lộ trình, ưu tiên nguồn vốn để thực hiện. Tiếp tục chỉ đạo đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn, tăng cường sự phối hợp trong quá trình triển khai; tổ chức họp giao ban định kỳ (3 tháng/1 lần) hoặc đột xuất giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án; thiết lập cơ chế phối hợp để triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn TP.
Về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Bộ GTVT cần nghiên cứu để có lộ trình đầu tư phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành vận tải hàng không. Đồng thời với việc đầu tư nâng cao năng lực của hạ tầng cảng hàng không, Bộ GTVT cần chỉ đạo các cơ quan liên quan nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức giao thông tại cảng hàng không cho hợp lý.
Về đường sắt đô thị, đối với thiết kế ga Hà Nội, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Hà Nội làm việc với phía Nhật Bản để nghiên cứu phương án thiết kế sử dụng ga Hà Nội là ga trung tâm kết nối đồng bộ tất cả các tuyến đường sắt đô thị của TP. Bộ GTVT nghiên cứu ban hành khung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung của đường sắt đô thị đảm bảo tính đồng bộ từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành công trình để áp dụng chung cho cả nước.
Hướng tuyến quy hoạch Vành đai 5. Ảnh internet. |
Hà Nội khẩn trương quy hoạch không gian ngầm và đầu tư hệ thống tàu điện ngầm
Bộ GTVT thống nhất với UBND TP Hà Nội, khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch không gian ngầm của TP để phê duyệt trong năm 2016 và triển khai thực hiện. Khẩn trương chuẩn bị dự án và đăng ký vốn ODA với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm đăng ký với Thủ tướng Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA để triển khai thực hiện hai tuyến đường sắt đô thị số 7 và 8. Nghiên cứu triển khai phương án kết nối giao thông giữa hệ thống đường sắt đô thị với hệ thống giao thông công cộng để đảm bảo sự kết nối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân.
Hà Nội tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống tàu điện ngầm trong phạm vi nội đô TP; với các tuyến kết nối ra ngoại vi thành phố hiện chưa thể đầu tư tàu điện ngầm do nguồn lực còn hạn chế, trước mắt đẩy mạnh tập trung đầu tư khai thác tuyến xe buýt nhanh BRT. Điều chỉnh các tuyến xe buýt đồng thời với việc chuyển đổi phương tiện đoàn xe buýt cho hợp lý với hạ tầng giao thông, quy mô của cỡ xe phải phù hợp với quy mô của tuyến, đảm bảo yêu cầu về mỹ quan cũng như đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách.
Xây dựng các tiêu chuẩn chung để làm căn cứ kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư bến xe khách theo hình thức xã hội hóa. Đồng thời với việc nâng cao năng lực hạ tầng của các bến xe, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức giao thông hợp lý.
Về vấn đề môi trường, TP tăng cường xử phạt đối với các phương tiện (đặc biệt là các xe chở vật liệu xây dựng) gây mất vệ sinh, môi trường. Nghiên cứu giải pháp quy hoạch và triển khai đầu tư các điểm rửa xe tại vị trí cửa ô để xử lý đảm bảo vệ sinh đối với các phương tiện trước khi di chuyển vào nội đô TP.
Mặt khác, cần tăng cường cơ giới hóa để tăng năng suất của công tác bảo đảm vệ sinh, môi trường của TP. Kiên quyết xử lý nghiêm các phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng hoặc quá niên hạn kiểm định theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề giảm ùn tắc giao thông, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình cấp bách để giải quyết giảm bớt số lượng các điểm ùn tắc giao thông, TP quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng trước mắt phải tiếp tục điều tiết, tổ chức phân luồng giao thông cho hợp lý. Tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao hơn nữa chất lượng vận tải hành khách công cộng, đảm bảo an toàn, sạch đẹp, văn minh.
Ngoài ra, về vấn đề quản lý sử dụng vỉa hè, TP phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đặc biệt cần nêu cao trách nhiệm cùa chính quyền các phường, xã về vấn đề này. Đối với các chủ cửa hàng kinh doanh vi phạm quy định về sử dụng vỉa hè cần phải xử lý nghiêm, cần thiết xử lý dừng hoạt động kinh doanh.
TP ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư phát triển hệ thống giao thông tĩnh. Quan tâm, hỗ trợ chỉ đạo các ban, ngành và địa phương tập trung đẩy nhanh công tác GPMB các công trình, dự án hạ tầng giao thông đang và sẽ được triển khai trên địa bàn TP theo đúng tiến độ cam kết để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đảm bảo hiệu quả đầu tư của các dự án.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, vốn đầu tư cho đường vành đai 5 - vùng Thủ đô dự kiến là 85.561 tỉ đồng và trước năm 2020 sẽ thông toàn tuyến đường vành đai 5 theo các quốc lộ hiện hữu. Dự án đường vành đai 5 Hà Nội nhằm tạo tuyến giao thông đường bộ vòng tròn khép kín cho vùng thủ đô Hà Nội, đi qua các địa phương: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Hòa Bình. Đường vành đai 5 sẽ đi qua các đô thị quan trọng như TP Vĩnh Yên, TP Thái Nguyên, TP Bắc Giang, TP Hải Dương, TP Hưng Yên, thị xã Sơn Tây. Từ Vĩnh Phúc sang Thái Nguyên, đường vành đai 5 sẽ đi qua hầm đường bộ Tam Đảo. Tổng chiều dài toàn tuyến đường vành đai 5 khoảng 331,5 km (không bao gồm khoảng 41 km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3). Đường vành đai 5 chính tuyến có đường gom, đường song hành, quy mô 4 ÷ 6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu 25,5 ÷ 33,0 m. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.