Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ngăn ngừa hỏa hoạn tại chung cư, tập thể cũ

Tiến Thành| 21/09/2019 06:54

(HNM) - Gần 95% khu chung cư, tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội đang nằm trong diện “báo động đỏ” về phòng cháy, chữa cháy, nhất là khi nhiều nơi không có bất kỳ một biện pháp tự bảo vệ nào trước “bà hỏa”. Chủ động phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, tập thể cũ là biện pháp để ngăn ngừa sự cố cháy, nổ có thể xảy ra là việc làm cấp thiết.

Báo động đỏ!

Ngày 3-9-2019, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4733/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung 990 cơ sở là chung cư, nhà tập thể cũ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố Hà Nội “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực”. Theo Công an thành phố, đến nay, trên toàn thành phố có 1.497/1.579 khu chung cư, nhà tập thể cũ (chiếm gần 95%) không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.

Lực lượng chức năng triển khai dập tắt vụ cháy tại chung cư B11 Khu tập thể Kim Liên.

Khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa), nơi sinh sống của khoảng 4.000 người đã được xây dựng cách đây 40-50 năm, hiện là một trong những địa chỉ không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.

Sinh sống hàng chục năm tại đây, ông Nguyễn Văn Chung (nhà A12, khu tập thể Văn Chương) cho biết, cả khu vực hiện chỉ có lối đi duy nhất, không bảo đảm thoát nạn khi có sự cố. Đáng nói là đường vào vốn nhỏ hẹp lại bị lấn chiếm, dân cư tăng nhanh nên khi có sự cố cháy, nổ, phương tiện chuyên dụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận hiện trường.

Trong khi đó, theo Thượng úy Nguyễn Hồng Quang, Cảnh sát khu vực Công an phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình), khu tập thể Ngọc Khánh trên địa bàn phường được Sở Xây dựng xếp loại nhà nguy hiểm, không bảo đảm về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt là các hộ dân đều cơi nới thêm “chuồng cọp”, được hàn sắt kín để chống trộm, vô tình bịt lối thoát nạn và gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu hộ nếu có sự cố.

Bà Nguyễn Thị Ngọc An, Tổ trưởng tổ dân phố số 16 (phường Ngọc Khánh) cho biết, trong khi hạ tầng xuống cấp thì ý thức người dân trong phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Nhiều hộ dân vẫn nấu nướng bằng bếp than tổ ong, thậm chí đốt vàng mã ngay tại “chuồng cọp”, trước cửa nhà, đồng thời lấn chiếm hành lang chung để vật dụng, hàng hóa… “Hầu hết các gia đình không trang bị thiết bị phòng cháy trong nhà. Đó là điều đáng lo hơn cả”, bà An bày tỏ.

Cùng với khu tập thể Văn Chương, Ngọc Khánh, các khu chung cư, tập thể cũ như: Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân); Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng (quận Đống Đa), Thành Công, A6 Giảng Võ (quận Ba Đình)… cũng cùng chung tình trạng mất an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Theo Thiếu tá Vũ Đình Chiến, Đội phó Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội), không ít khu chung cư, tập thể cũ không có bất kỳ hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy chuẩn nào.

Hướng dẫn người dân chủ động phòng cháy, chữa cháy

Từ đầu năm 2019 đến nay, đã xảy ra 6 vụ cháy tại các khu tập thể, chung cư cũ. Điển hình là chiều 18-9 vừa qua đã xảy ra cháy một căn hộ tầng 3 nhà B11, khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa). Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng lực lượng chức năng đã gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, triển khai chữa cháy vì vướng "chuồng cọp" tại các căn hộ.

Để bảo đảm an toàn cho các khu chung cư, nhà tập thể cũ trên địa bàn thành phố, biện pháp thiết thực nhất hiện nay là cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, việc này đang gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân.

Do đó, trong thời gian chờ tháo gỡ “nút thắt” trong công tác cải tạo, xây dựng lại khu chung cư, nhà tập thể cũ, ông Trần Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy cho người dân. Từ kinh nghiệm sau vụ cháy khu tập thể Nhà máy xe lửa Gia Lâm vào tháng 6-2017, UBND phường Ngọc Lâm rất chú trọng nâng cao kiến thức cho người dân tại các khu tập thể cũ qua các lớp tập huấn được tổ chức hằng năm tại chính nơi họ sinh sống…

“Đa phần người dân chúng tôi đã nắm rõ các nguyên tắc phòng cháy, cách thoát nạn và tự trang bị trong nhà thiết bị phòng cháy”, ông Nguyễn Nhật - người dân khu tập thể Nhà máy xe lửa Gia Lâm cho biết.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy cho biết, đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ đến các chung cư, nhà tập thể cũ trên địa bàn để khuyến khích người dân mở cửa thoát hiểm tại các khu vực “chuồng cọp”. Công tác thí điểm tại khu tập thể A12 (phường Nghĩa Tân) đã cho kết quả tốt khi 100% các hộ gia đình đã thực hiện khuyến nghị. Đây là cơ sở để Công an quận Cầu Giấy tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn.

Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng cần chủ động phòng ngừa cháy, nổ ngay từ cơ sở. “Có nhiều cách khắc phục ngay, dễ thực hiện mà không cần nhiều kinh phí như trang bị bình chữa cháy, hệ thống chuông báo cháy và giải tỏa ngay những vi phạm lấn chiếm lối thoát hiểm các chung cư, nhà tập thể cũ”, Thượng tá Ngô Thanh Lâm nói.

Những cách làm của UBND phường Ngọc Lâm, Công an quận Cầu Giấy rất cần được tổng kết, rút kinh nghiệm và phổ biến ra toàn thành phố, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại do sự cố cháy, nổ có thể xảy ra tại các khu chung cư, tập thể cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ngăn ngừa hỏa hoạn tại chung cư, tập thể cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.