Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động chống hàng giả: Trách nhiệm của doanh nghiệp

Thanh Hiền| 23/08/2017 07:06

(HNM) - Tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp. Cuộc đấu tranh, đẩy lùi tình trạng nhức nhối này rất cần sự phối hợp từ trung ương tới địa phương, các bộ, ngành chức năng cũng như sự vào cuộc của chính các doanh nghiệp bị thiệt hại.

Lực lượng liên ngành kiểm tra hàng giả, hàng lậu thu giữ tại chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội).


Doanh nghiệp... ngại

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội), Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa về nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau, tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng, điện tử, quần áo, giày dép, túi xách, thực phẩm, mỹ phẩm, dụng cụ thể thao...

Đáng chú ý, lợi dụng sự thiếu quan tâm của các doanh nghiệp trong bảo vệ thương hiệu, sản phẩm và sự thiếu hiểu biết, thiếu cập nhật kiến thức, thông tin của người dân trong phân biệt hàng thật, hàng giả nên các đối tượng đã tìm cách nhập lậu các loại hàng giả mang nhãn mác của Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài (chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc) có nhu cầu tiêu thụ cao để cung cấp ra thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp. Đáng chú ý, buôn bán hàng giả qua internet ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng xã hội Facebook thông qua việc lập các fanpage, trang Facebook cá nhân để bán hàng…

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng BCĐ 389 Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 900 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điển hình, lực lượng chức năng đã phát hiện đối tượng Lê Thị Như Hoa (trú tại Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa) bán hàng giả là sơn tường nhãn hiệu “DULUX”; thu giữ 51 thùng sơn DULUX, 51 vỏ thùng sơn các loại như ROBER, SAE-COLER, E-PAINT, trị giá hàng hóa 100 triệu đồng. Cũng trong những tháng đầu năm 2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra Công ty cổ phần Kính ô tô Vượng Anh (địa chỉ số 7, ngõ 122, phố Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) do Nguyễn Thị Lan Anh (trú tại P. 304, N2, tập thể Quân khu Thủ đô, ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa) làm giám đốc. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện công ty kinh doanh một số sản phẩm kính xe ô tô nhãn hiệu BMW, Mercedes giả. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã khởi tố bị can.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam trăn trở, dẫu buôn lậu đang diễn ra tràn lan, song nhiều doanh nghiệp tỏ thái độ... ngại đấu tranh khi thấy sản phẩm của mình bị làm giả, trôi nổi trên thị trường. Việc nhiều doanh nghiệp ngại bị nêu tên trên phương tiện thông tin truyền thông khi sản phẩm của mình bị làm giả, do sợ ảnh hưởng đến thương hiệu và việc bán hàng, cho thấy nhận thức của doanh nghiệp trong đấu tranh chống hàng giả còn hạn chế.

Thay đổi nhận thức

Trên thực tế, các chế tài xử lý vi phạm về hàng giả chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự; một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thống nhất. Hơn nữa, hiện nay, việc ban hành văn bản và thực tế vi phạm còn có sự vênh nhau, nên gây khó khăn cho công tác thực thi.

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc, Đoàn luật sư Hà Nội chia sẻ: Điều 17, Nghị định 185/2013/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần, hoặc tái phạm. Nhưng trên thực tế, việc tịch thu phương tiện sẽ không được thực hiện do các đối tượng chủ xe thường vận chuyển thuê, không phải là chủ hàng, không cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi các chế tài xử lý nhằm tăng tính răn đe, nhưng vẫn bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo mâu thuẫn.

Theo ông Chu Xuân Kiên, công tác chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền sản xuất Việt Nam còn chưa đủ mạnh, phần đông doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, ít doanh nghiệp có thương hiệu lớn. Trong thời gian qua, một số đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống hàng giả, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp không quan tâm, thậm chí che giấu thông tin về các sản phẩm làm giả vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của mình, gây khó khăn cho điều tra, xử lý.

Việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể quyền đối với cơ quan chức năng còn chưa được thường xuyên. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần thay đổi nhận thức về bảo vệ thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng logo, nhãn mác, hàng hóa và thương hiệu được Nhà nước bảo hộ, tích cực quảng bá thương hiệu của mình trong thị trường nội địa và phấn đấu vươn ra quốc tế.

Chống hàng giả không chỉ là việc riêng các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là trách nhiệm chung cần mỗi doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng tham gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động chống hàng giả: Trách nhiệm của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.