Ông Nguyễn Thành Minh, Nhà CT21-2, phường Giang Biên, quận Long Biên: Lựa chọn phát triển nhanh, bền vững là chính xác Chủ đề đại hội trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội theo tôi là rất chặt chẽ, khoa học và phù hợp. Tôi hài lòng nhất là việc lựa chọn thành tố cuối cùng
Chủ đề đại hội trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội theo tôi là rất chặt chẽ, khoa học và phù hợp. Tôi hài lòng nhất là việc lựa chọn thành tố cuối cùng trong chủ đề là "xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững". Thuật ngữ "phát triển bền vững" mang tính toàn cầu và đang được hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm. Hà Nội đang phát triển mạnh về mọi mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm khoảng 9% là khá cao, nếu không muốn nói là "phát triển nóng" với không ít những hệ lụy về văn hóa, môi trường đi kèm...
Việc lựa chọn "phát triển nhanh, bền vững" vừa phản ánh ý thức của Đảng bộ thành phố là phải nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao đời sống người dân, phát triển xã hội nói chung, nhưng vẫn bảo đảm sự cân bằng, hài hòa cần thiết giữa các lĩnh vực, không vì quá chú tâm vào phát triển kinh tế mà quên văn hóa, môi trường... Có lẽ rất nhiều người sẽ mong là trong chủ đề đại hội phải có thêm những yếu tố như "xanh", "văn hiến", "văn minh", "hiện đại"... Thực tế, hai yếu tố phát triển "nhanh" và "bền vững" đã hàm chứa tất cả những yếu tố đó.
Bà Nguyễn Thị Lịch, thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn:Cần đầu tư xứng đáng cho phát triển văn hóa
Đánh giá trong dự thảo Báo cáo chính trị "Văn hóa tiếp tục phát triển; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả đáng ghi nhận" theo tôi là hợp lý. Chúng ta thấy rõ ràng là văn hóa Thủ đô có phát triển về cả những giá trị vật thể và phi vật thể trong những năm qua. Nhưng những vấn đề đặt ra đối với phát triển văn hóa ở Hà Nội rất phức tạp và cần được đầu tư tương xứng, nhất là để giải quyết những vấn đề phát sinh do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa. Dự thảo Báo cáo chính trị đã đưa vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cả ở trong nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá. Điều này rất đúng đắn và cần thiết, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng bộ thành phố đối với vấn đề văn hóa, văn hiến Thủ đô.
Ông Lê Anh Tuấn, Khu tập thể Bắc Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy: Cần làm sống lại các dòng sông ô nhiễm
Tôi rất đồng tình với quan điểm xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ giải pháp lớn của nhiệm kỳ mới. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được đề ra như xử lý trên 85% chất thải nguy hại, trên 95% chất thải y tế, xử lý 100% nước thải các khu, cụm công nghiệp, 80% làng nghề, trên 80% nước thải sinh hoạt... Dự thảo Báo cáo cũng nêu rõ nhiệm vụ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nước của hệ thống hồ nước trên địa bàn. Đó đều là những nội dung rất thời sự, hợp lòng dân.
Tuy nhiên, ngoài nội dung tiếp tục triển khai thực hiện đề án Cải tạo môi trường Sông Nhuệ - Đáy, tôi chưa thấy dự thảo Báo cáo chính trị đề cập đến việc xử lý ô nhiễm môi trường nước các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, Sông Sét... Đó là những con sông nội đô, bao nhiêu năm qua nhức nhối vì ô nhiễm dòng chảy. Trong nhiệm kỳ vừa qua, thành phố đã cố gắng kiểm soát ô nhiễm, cải thiện phần nào được chất lượng nước sông Tô Lịch. Nhưng người dân chúng tôi còn mong mỏi, chờ đợi nhiều hơn thế. Chúng tôi mong một ngày nào đó, những dòng sông này sẽ được làm sống lại, như là hình ảnh đầy chất thơ từng được viết nên để ca ngợi về sông Tô Lịch ngày xưa: "Sông Tô nước chảy trong ngần / Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa / Thon thon hai mũi chèo hoa / Lướt đi lướt lại như là bướm reo".
Tôi đề nghị thành phố bổ sung nội dung khắc phục tình trạng ô nhiễm các dòng sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, Sông Sét... vào trong nhóm nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Có thể đặt ra mục tiêu đưa chất lượng nước các sông này đạt chỉ số cụ thể nào đó để phấn đấu. Điều này cũng phù hợp với việc thành phố dự kiến xử lý 80% nước thải sinh hoạt và di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường nội đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.