Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chip xử lý trí tuệ nhân tạo chuyên dụng: Cuộc chơi mới của Trung Quốc

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 09/04/2018 09:32

(HNMO) - Các nhà phát triển chip xử lý chuyên dụng cho trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng các chiến lược kinh doanh mới, nhằm cạnh tranh với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Trung Quốc quyết tâm vượt qua Mỹ trong cuộc đua phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo.


Những tên tuổi nổi bật trong nhóm nêu trên có thể điểm qua như Hisilicon Semiconductor, Cambricon, DeePhi Tech, Horizon Robotics hay Bitmain hiện đều nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ phía chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh mới đây cũng công bố kế hoạch 3 năm nhằm thúc đẩy công nghệ và năng lực công nghiệp đối với AI, trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020. Trong đó, trọng tâm chính gồm 8 lĩnh vực, bao gồm cả xe ô tô thông minh, người máy phục vụ…

Hiện nay, nhiều loại chip bao gồm cả ASIC, GPU, FPGA và CPU đã được sử dụng rộng rãi cho các tác vụ điện toán phục vụ nhu cầu học máy (machine learning), hay mạng lưới thần kinh sâu (deep neural network calculation).

Trong đó, những tên tuổi đang dẫn đầu cuộc chơi chính là NVIDIA, Intel, Qualcomm, Apple, Google, Microsoft, Amazon, Facebook, IBM và Samsung Electronics. Dễ thấy đa số đều là các công ty lớn của Mỹ, thực tế khiến Trung Quốc không thể ngồi im.

Về phần mình, các doanh nghiệp Trung Quốc đến nay cũng đã có những bước tiến nhất định trong lĩnh vực AI. Điển hình như Hisilicon đã giới thiệu chip hỗ trợ ứng dụng AI Kirin 970, do TSMC (Đài Loan) sản xuất dựa trên quy trình FinFET 10nm. Việc thiết kế dòng sản phẩm này cũng hết sức thuận lợi, do Hisilicon nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ Trung Quốc và công ty mẹ Huawei.

Tương tự như vậy, Cambricon, vốn tiền thân là đội nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, đã dành nhiều thời gian cho các công nghệ AI và bộ xử lý phục vụ nhu cầu tính toán này. Sau khi chuyển thành doanh nghiệp vào năm 2016, Cambricon đã tung ra chip học sâu đầu tiên của mình. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc như Alibaba, Lenovo hay Turing đã rót những khoản đầu tư không nhỏ vào Cambricon.

Tháng 9-2017, phát biểu trước học sinh và giáo viên của 16.000 trường trên toàn quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định quốc gia nào làm chủ công nghệ AI sẽ thống trị thế giới.


Về phần mình, DeePhi cũng đã tung ra hai chip AI, với một hướng tới các ứng dụng điện toán đám mây, và một hướng tới ứng dụng trên thiết bị cuối. DeePhi là công ty đang thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ từ Samsung, Alibaba, MediaTek và Xilinx. Công nghệ FPGA của hãng cũng đã có những bước tiến vượt bậc về hiệu năng tính toán, nhờ sự hỗ trợ công nghệ từ Xilinx.

Không ngồi yên, Horizon lại chọn hướng tiếp cận riêng, khi tập trung nghiên cứu phát triển chip trí tuệ nhân tạo phục vụ thị trường ô tô tự hành, thông qua sự trợ giúp của Intel (chủ yếu về công nghệ chế tạo chip, FPGA và kết nối viễn thông 5G). Hãng bán dẫn hàng đầu thế giới đã cung cấp cho đối tác Trung Quốc nhiều nền tảng linh hoạt và tiết kiệm điện dựa trên công nghệ FPGA. Thậm chí, một nhân sự cao cấp cũng được Intel cử sang hỗ trợ điều hành tại Horizon.

Cuối cùng, đúng như tên gọi, Bitmain là công ty duy nhất trong số các tên tuổi nổi bật nêu trên tập trung vào phát triển các giải pháp phần cứng phục vụ “đào” tiền ảo. Trong năm 2018, đây cũng là khách hàng “sộp” của TSMC. Ngoài ra, Bitmain cũng có xu hướng đầu tư vào phát triển AI. Mới đây, công ty này đã tung ra một chip ASIC mới với thiết kế có nhiều nét tương đồng với TPU 2 của Google.

Nhìn chung, không khó để nhận ra rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang ấp ủ những tham vọng rất lớn về trí tuệ nhân tạo. Những dự án mới đều có một điểm chung là nhận được những nguồn lực ủng hộ rất lớn. Chúng mở rộng trên nhiều lĩnh vực và nếu suôn sẻ, sẽ đưa Trung Quốc trở thành một trong những thế lực hàng đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chip xử lý trí tuệ nhân tạo chuyên dụng: Cuộc chơi mới của Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.