(HNM) - Chưa đầy hai tháng sau khi nhậm chức, 2 trong số 5 nữ bộ trưởng trong nội các Nhật Bản phải từ chức liên quan đến các bê bối quỹ chính trị.
Bộ trưởng Tư pháp Midori Matsushima từ chức chỉ vì chiếc quạt giấy. |
Được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trong cuộc cải tổ nội các ngày 3-9 vừa qua, tuy nhiên thời gian gần đây bà Yuko Obuchi phải đối mặt với một loạt cáo buộc liên quan đến sử dụng quỹ tranh cử sai mục đích. Trong số đó có thông tin bà đã chi 3,62 triệu yen từ quỹ chính trị cho việc thiết kế văn phòng và duy trì hoạt động của một cửa hàng bán quần áo do người thân trong gia đình làm chủ. Ngoài ra, một nhóm ủng hộ bà Yuko Obuchi cũng bị cáo buộc sử dụng sai mục đích quỹ chính trị khi dùng tiền mua vé nghe nhạc cho các thành viên nhóm. Hai tổ chức khác thân cận với vị nữ bộ trưởng cũng bị buộc tội làm thất thoát 26,4 triệu yen trong các hoạt động tiếp xúc cử tri ở Tokyo năm 2010 và 2011. Đó là lý do khiến bà Yuko Obuchi phải đệ đơn từ chức và Thủ tướng S.Abe đã bổ nhiệm ông Yoichi Miyazawa thay thế.
Giữa lúc dư luận vẫn còn hoang mang về sự ra đi của nữ bộ trưởng đầu tiên trong nội các, một gương mặt nữ sáng giá khác là Bộ trưởng Tư pháp Midori Matsushima cũng quyết định từ chức do sức ép từ các đảng đối lập. Lý do dẫn đến quyết định này xem ra khá "đơn giản" khi bà M.Matsushima - từng là Hạ nghị sĩ thuộc khu vực bầu cử số 14 ở Tokyo - bị cáo buộc đã vi phạm luật bầu cử do phân phát quạt giấy miễn phí có in tên và chức danh Bộ trưởng Tư pháp cho một lượng lớn cử tri tại đơn vị bầu cử này. Theo tài liệu mà bà Matsushima trình lên Hạ viện, đã có tổng cộng 21.980 chiếc quạt giấy được in ấn với chi phí khoảng 1,74 triệu yen trong khoảng thời gian giữa năm 2012 và 2014.
Việc 2 nữ bộ trưởng từ chức liên tiếp được xem là tổn thất lớn với chính phủ của Thủ tướng S.Abe trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ dành cho nội các giảm mạnh, chỉ còn 48,1%. Kết quả cuộc điều tra được tiến hành qua điện thoại đối với 1.015 cử tri tiềm năng mới đây cho thấy, 65,9% số người được hỏi đã phản đối việc tăng thuế tiêu dùng đang ở mức 8% hiện nay lên 10% từ tháng 10-2015, trong khi số người ủng hộ là 31%. 40,2% phản đối các chính sách kinh tế của Thủ tướng S.Abe, trong khi số người không tin tưởng hiệu quả của các chính sách này là 33% và có tới 84,8% nói rằng họ không cảm thấy kinh tế đất nước đang phục hồi.
Theo kế hoạch, vào cuối năm nay chính phủ của Thủ tướng S.Abe sẽ quyết định xem có tiếp tục tăng thuế tiêu dùng lên 10% từ tháng 10-2015 hay không, sau khi đã tăng một lần hồi tháng 4 vừa qua song vẫn không mang lại nhiều cải thiện tích cực cho nền kinh tế. Phát biểu tại cuộc họp các giám đốc chi nhánh hôm 20-10, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cho biết, kinh tế Nhật Bản tiếp tục hồi phục nhẹ nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng của BOJ đang phát huy hiệu quả. Tuy tiêu dùng cá nhân và sản lượng công nghiệp tăng chậm lại sau khi tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% hồi đầu tháng 4 vừa qua nhưng kinh tế Nhật Bản đang tiếp đà phục hồi nhẹ. Điều đáng nói là các công ty nhỏ của nước này dường như ngày càng bị tác động bởi sức mua giảm sút sau khi thuế tiêu dùng tăng và tình trạng giá nguyên liệu thô cũng như giá nhập khẩu các mặt hàng khác đều bị đội lên do tác động của đồng yen xuống giá.
Vụ từ chức kép là sự cố lớn đầu tiên của ông S.Abe kể từ khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra tháng 12-2012. Điều gây lo ngại hơn cả chính là uy tín của Thủ tướng S.Abe và liên minh cầm quyền bị tổn hại nghiêm trọng sau vụ bê bối của 2 bộ trưởng này trong khi Chính phủ Nhật Bản đang cần một môi trường chính trị ổn định để tạo thuận lợi cho những chính sách kinh tế táo bạo nhưng khá nhạy cảm. Do vậy, thời gian tới sẽ là một giai đoạn khó khăn hơn cho chính quyền của Thủ tướng S.Abe và nhà lãnh đạo Nhật Bản cần phải làm nhiều hơn để thuyết phục được cử tri tin tưởng vào những giải pháp chính phủ đã lựa chọn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.