Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách chưa đi vào cuộc sống

Sơn Tùng| 31/10/2016 06:35

(HNM) - Để tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, vốn tín dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhưng so với nhu cầu thực thì nguồn vốn cho vay lĩnh vực này còn nhỏ giọt và nông dân vẫn khó tiếp cận...

Nợ xấu thấp, nông dân vẫn khó vay

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30-9-2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 18% dư nợ cho vay nền kinh tế. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, tăng gần 7,6% so với 2015.

Tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn 1,53%, thấp hơn so với nợ xấu toàn nền kinh tế. Còn riêng với người nông dân vay vốn của Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân thông qua Hội Nông dân Việt Nam, trung bình nợ quá hạn chỉ 0,32%. Tuy nhiên, quy mô nguồn vốn cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp, việc tiếp cận vốn của nông dân còn gặp nhiều khó khăn.

Việc tiếp cận được nguồn vốn vay sẽ giúp nông dân có điều kiện đầu tư sản xuất, mang lại cuộc sống ổn định. Ảnh: Viết Thành


Bà Trịnh Thị Mý, nông dân chăn nuôi giỏi của huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Để mở rộng quy mô chăn nuôi khép kín với 600 lợn nái và 10.000 lợn thương phẩm với mức đầu tư 20 tỷ đồng, gia đình đã phải dùng tới 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà kiên cố để thế chấp vay Ngân hàng NN&PTNT được 2,5 tỷ đồng. Trong khi đó toàn bộ tài sản là chuồng trại chăn nuôi thì không được tính làm tài sản bảo đảm thế chấp.

Tương tự, ông Lê Quang Thành, Tổng Giám đốc Công ty Thái Dương cho hay, hiện chính sách của Nhà nước có thể rất đầy đủ nhưng quan trọng là phải đưa vào thực tiễn, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Hiện doanh nghiệp đang đầu tư với số vốn 600 tỷ đồng, nhưng mới chỉ vay được ngân hàng 100 tỷ. Mong muốn của Công ty muốn xây dựng 15 dự án sản xuất con giống chất lượng cao, nhưng lại vướng ở khâu vay vốn ngân hàng.

Hiến kế khơi thông nguồn vốn

Nhằm tháo gỡ cho vay nông nghiệp, nông thôn, ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) nhận định: Các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần thúc đẩy ký kết hợp đồng và có chế tài bảo đảm thực hiện hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân để tránh việc phá vỡ hợp đồng; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực của việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Các ngân hàng nên điều chỉnh thời gian cho vay theo chu kỳ phát triển nông nghiệp và quy định lãi suất cho vay theo tình hình thực tế. Khi người nông dân có ý tưởng mới trong sản xuất nông nghiệp, cần thực hiện liên kết lại với nhau ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ… và chính quyền, hội đoàn thể đóng vai trò then chốt trong việc thẩm định cộng đồng, làm cơ sở để ngân hàng mạnh dạn cho vay lớn.


Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Tiến Đông cho rằng, một số khó khăn trong quá trình triển khai tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đó là việc tài sản xây dựng trên đất nông nghiệp không được định giá, do đó Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp thu và sớm có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Tuy nhiên, ông Đông cũng nhấn mạnh: Tài sản thế chấp không phải là nguyên nhân chính, quan trọng là năng lực thật sự của doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn về cả kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp, hộ nông dân cần chứng minh được khả năng sản xuất, kinh doanh của mình thông qua các dự án có tính khả thi cao…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngành Ngân hàng sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp với sản xuất nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch của từng vùng, từng miền và từng địa phương. Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi hướng tới sản xuất nông sản xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Đặc biệt là cho vay các dự án, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. Các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo...

Tất nhiên, từ chủ trương đến thực tiễn là cả một quá trình dài và người nông dân mong mỏi những chính sách này không bị đứt đoạn, sớm đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách chưa đi vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.