(HNM) - Tự nguyện tham gia dự án thí điểm di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, một hộ sản xuất ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ đã gần như phá sản vì ách tắc trong GPMB. Khởi động từ năm 2005, nhưng đến nay dự án vẫn bị
Khoảng hai năm nay, ai đi qua trụ sở UBND xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, đều phải tiếc rẻ khi nhìn thấy đống máy móc hoen gỉ chất đầy trong sân UBND xã. Đó là những thiết bị nằm trong dây chuyền sản xuất của cơ sở dệt, nhuộm, may Canh Thanh, thuộc làng nghề xã Tam Hiệp, do ông Trần Huy Canh là chủ cơ sở. Tại sao những máy móc này lại nằm "ăn vạ" trong sân UBND xã lâu đến vậy? Câu chuyện đã bắt đầu từ gần 7 năm trước đây.
Máy móc hoen gỉ nằm ở sân UBND xã Tam Hiệp. |
Vào năm 2005, xác định cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới dân cư xung quanh, hộ ông Trần Huy Canh đã tự nguyện tham gia dự án di dời ra khỏi khu dân cư. Triển khai được một thời gian, dự án đã gần xong thủ tục thì Hà Tây (cũ) hợp nhất với Hà Nội, nên dự án bị gián đoạn. Liền sau đó, các bước thủ tục dự án được triển khai lại từ đầu theo đúng trình tự do UBND TP Hà Nội quy định với nhiều phương án bồi thường để bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất. Tuy nhiên đến nay công tác GPMB dự án này vẫn dang dở do còn một số hộ không chấp nhận phương án đền bù và chưa bàn giao mặt bằng.
Hậu quả là cơ sở Canh Thanh - cơ sở đầu tiên của huyện Phúc Thọ thực hiện chủ trương di dời cơ sở sản xuất ra xa khu dân cư đang đứng trên bờ vực phá sản. Bởi, một mặt việc sản xuất đã dừng nhiều năm trong khi mặt bằng "dự án điểm" mãi không được bàn giao. Ông Trần Huy Canh đã phải bán nhà. Khi người chủ mới tới đòi nhà đã cho tháo dỡ các thiết bị đưa ra khỏi xưởng. Không còn chỗ để đặt máy móc, toàn bộ dây chuyền sản xuất trị giá gần 2 tỷ đồng của cơ sở Canh Thanh bị cắt rời, đem gửi mỗi nơi một ít, giờ có lắp ráp lại cũng không thể chạy được nữa...".
Liên quan tới dự án "treo" gây bức xúc dư luận này, giữa tháng 9-2011, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã ký công văn số 8068/UBND-TNMT về GPMB phục vụ di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Theo đó, ông Vũ Hồng Khanh yêu cầu UBND huyện Phúc Thọ kiểm tra, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong GPMB của hộ sản xuất Canh Thanh tại xã Tam Hiệp; báo cáo UBND TP kết quả giải quyết trong tháng 9-2011. Song, đã gần 6 tháng trôi qua, chưa có báo cáo nào gửi. Không biết tới bao giờ, chính quyền huyện Phúc Thọ mới dứt điểm vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.