Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Chìa khóa'' thành công

Gia Khánh| 22/03/2021 06:25

(HNM) - Tại cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề “Đối thoại 2045”, diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 3-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn.

Điều đó cho thấy Đảng, Chính phủ và đất nước luôn đề cao vai trò của đội ngũ doanh nhân, của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng vào những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp với sự phát triển của đất nước.

Từ các nghị quyết của Đảng tháo gỡ khó khăn, mở hướng phát triển cho doanh nghiệp, đến sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, coi doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ, thực tế, chưa bao giờ đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp được quan tâm, tạo điều kiện phát triển như hiện nay. Chỉ riêng việc cải cách hành chính, tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến cuối năm 2020, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền quản lý gây khó cho doanh nghiệp… Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được nhờ cắt giảm thủ tục hành chính khoảng 6.300 tỷ đồng/năm.

Cũng trong nhiệm kỳ Chính phủ này, Thủ tướng Chính phủ luôn dành thời gian đối thoại, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Tại cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp năm 2020, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và yêu cầu các cấp, ngành giải quyết nhanh nhất các kiến nghị, tháo gỡ kịp thời khó khăn để không làm lỡ thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp. Và với tinh thần đó, Chính phủ, các cấp, ngành cùng với doanh nghiệp đã nỗ lực vượt thách thức, đón thời cơ phục hồi nền kinh tế, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.  

Không chỉ vậy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và tinh thần khởi nghiệp vẫn ngày càng lan tỏa. Với khoảng 100.000 doanh nghiệp ra đời mỗi năm, đến nay, cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó có những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, làm chủ công nghệ hiện đại, đủ sức vươn tầm ra khu vực và thế giới. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã đóng góp khoảng 42% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội…

Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, với những thành tựu to lớn đạt được, chúng ta có niềm tin sẽ đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà độc lập (1945-2045). Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng, chặng đường phía trước không dễ dàng. Để trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải liên tục duy trì tăng trưởng cao trong hơn 20 năm tới, thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm đó cần vượt mức 12.000 USD/năm. Đây là mục tiêu đầy thách thức vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ ngày càng khó.

Và cộng đồng doanh nghiệp - trụ cột của nền kinh tế lại được đặt niềm tin và gửi gắm sự kỳ vọng. Muốn dân giàu, nước mạnh thì doanh nghiệp phải lớn hơn nữa. Lớn không chỉ ở quy mô mà còn ở cả định hướng và tầm nhìn; không chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận mà phải sáng tạo giá trị cho xã hội, hướng đến phát triển bền vững, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước. Là trụ cột của nền kinh tế, có nghĩa cộng đồng doanh nghiệp phải thật sự trở thành nguồn lực của quốc gia; không chỉ tạo ra ngày càng nhiều của cải, vật chất, đóng góp ngày càng lớn vào GDP, mà còn phải có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trong những ngành có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi chất xám và nguồn lực lớn.

Muốn trụ cột lớn không thể thiếu bệ đỡ vững. Đó là thể chế kiến tạo, nhất quán, công khai, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi; là môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, không còn rào cản… Chính phủ, các cấp, ngành cùng đồng hành với doanh nghiệp, xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng; kinh tế tư nhân thật sự trở thành động lực phát triển mạnh mẽ, còn doanh nghiệp nhà nước dám nghĩ, dám làm, phát huy nguồn lực lớn đang nắm giữ, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự phát triển và thịnh vượng chung cho đất nước.

Sự kiện “Đối thoại 2045” sẽ trở thành sự kiện thường niên - như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - một lần nữa khẳng định tinh thần đồng hành và kiến tạo của Chính phủ vì sự thành công của doanh nghiệp; đồng thời cũng là mong muốn sự thành công của doanh nghiệp sẽ trở thành "chìa khóa" cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Chìa khóa'' thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.